Vĩnh Phúc: Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020

Địa phương
10:38 AM 18/01/2021

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, đoàn kết, không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện, nhanh và ngày càng bền vững. Nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường trên nhiều phương diện – thể hiện qua 10 thành tựu nổi bật được ghi nhận.

Thứ nhất, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, từ tư duy đến hành động với nhiều thành quả quan trọng, giữ vững đoàn kết, phát huy dân chủ, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được vun đầy, sự tin cậy của Trung ương Đảng đối với Đảng bộ tỉnh tiếp tục được củng cố.

Thứ hai, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị được phát huy. Năm 2020 thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phòng chống, đẩy lùi dịch Covid 19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra.

Thứ ba, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 7,1%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước 6,7%), chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm (so với cả nước 5,8%/năm); sức cạnh tranh, quy mô kinh tế ngày càng lớn (năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước). Đặc biệt, công nghiệp đóng góp tới 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, thu ngân sách đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, luôn đứng tốp đầu về thu nội địa và là 1/16 tỉnh thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương (47%).

Thứ tư, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt trên 5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trong nước đạt 56.474 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD) tăng gần 4 lần so với mục tiêu (14.000 – 15.000 tỷ đồng), gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 (24.977 tỷ đồng). Vốn FDI đạt 2,857 tỷ USD, gấp 2 lần mục tiêu (1,3 – 1,5 tỷ USD) và gấp 2 lần giai đoạn 2011 – 2015 (1,429 tỷ USD). Khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc là rất lớn.

Thứ năm, kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt; diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ khang trang, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Toàn tỉnh 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vĩnh Phúc: Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 2015-2020 - Ảnh 1.

TP. Vĩnh Yên hôm nay.

Thứ sáu, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, 100% các trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành 1.000 trường học mầm non, hoàn thành đầu tư các trường trọng điểm. Chất lượng giáo dục luôn ở tốp đầu cả nước với nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olimpic Toán học, Sinh học, Vật lý quốc tế và khu vực. Năm học 2019 – 2020 tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, đứng thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Thứ bảy, chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao, cơ sở vật chất trang thiết bị ngành y tế tiếp tục được đầu tư, nâng cấp với 100% trạm y tế, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; đạt 36,3 giường bệnh/vạn dân, 15 bác sĩ/vạn dân. Hoàn thành dự án Bệnh viện Sản – Nhi và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn I, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Thứ tám, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Hiện tại trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ước giảm còn dưới 1% năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 92,5% dân số.

Thứ chín, tổ chức xắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Giảm nhiều đầu mối, khắc phục chồng chéo và tăng tính hiệu quả, linh hoạt của hệ thống. Cụ thể, giảm 4 đầu mối trực thuộc tỉnh, 227 đầu mối cấp phòng, giảm 150 lãnh đạo; tinh giản 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách. Thực hiện khoán xe công, và giao tự chủ tài chính cho một số đơn vị.

Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp còn 1,5 ngày; cắt giảm 30 - 35% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư công; giảm 30% thời gian giải quyết dự án đầu tư trực tiếp; giải quyết các thủ tục đầu tư qua mạng đối với 100% dự án đầu tư nước ngoài; rút ngắn thời gian cấp Giấy Chứng nhận QSD còn 18 ngày…

Thứ mười, công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, chỉ đạo thành công các cuộc diễn tập, luyện tập khu vực phòng thủ hàng năm. Trong đó, đặc biệt là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ một bên, ba cấp năm 2016 làm điểm cho Quân khu và được đánh giá cao; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đức Nam
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.