Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt từ 8 - 9%
Chiều 27/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2024, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2025.
Tại hội nghị, ông Phạm Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Phấn đấu năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt từ 8,0 đến 9,0% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 82%.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như: Giữ vững sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh; Tăng cường quản lý tài chính, tín dụng, triển khai các giải pháp khai thác triệt để nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước và có các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2025, trong đó ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; rà soát điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh và lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành theo quy định.
Xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Triển khai sửa chữa, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; Thực hiện tốt công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Đổi mới nội dung, hình thức, công tác tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi, phấn đấu nâng cao thành tích thi chọn HSG quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế; Nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; phát triển kỹ thuật chuyên môn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả các khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tuyển chọn, phê duyệt các nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao, xuất phát từ thực tiễn. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, chuyển giao, mua bán công nghệ. Thúc đẩy phát triển hoạt động ứng dụng và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các giải pháp để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng ở mức khá quý sau cao hơn quý trước. Ước GRDP cả năm tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5-8,5%).
Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%, tương đương tăng khoảng 11,3 triệu đồng so với năm 2023. Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43% so với năm 2023, Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.
Thu chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng thấp so với năm 2023 và không đạt dự toán năm 2024 đã đề ra. Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.486,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán và tăng 4,1% so với năm 2023, trong đó thu nội địa ước đạt 26.025,3 tỷ đồng, tăng 4,0% so với dự toán, tăng 1,6% so với năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.910 tỷ đồng, bằng 97,7% dự toán được giao và giảm 5,6% so với năm 2023.
Sau khi nghe các cơ quan báo chí góp ý về các vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đồng chí Phan Thế Huy - Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2024. Và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh trong công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tiếp theo.
PVNăm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.