Vĩnh Phúc: Tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Địa phương
11:38 AM 03/09/2020

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, tạo cơ chế, xây dựng và triển khai các dự án cụ thể, ban hành các chính sách miễn 100% thủy lợi phí vụ đông, giảm 50% thủy lợi phí vụ chiêm và vụ mùa.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng VietGAP

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, ngay khi tái lập năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách, hoạt động cụ thể, tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 và Đề án số 2103 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005 với tập trung ưu tiên đầu tư 6 cây và 3 con. 

UBND tỉnh xây dựng và triển khai các dự án cụ thể, ban hành các chính sách miễn 100% thủy lợi phí vụ đông, giảm 50% thủy lợi phí vụ chiêm và vụ mùa. Năm 2005, lần đầu tiên năng suất lúa của tỉnh vượt 50 tạ/ha, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất 3 vụ ổn định trong năm, trong đó, vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa.

Vĩnh Phúc: Ngành Nông nghiệp nỗ lực và phát triển - Ảnh 1.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng VietGAP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, năm 2006, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03 với phương châm "giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện". HĐND tỉnh ban hành 27 nghị quyết cho từng lĩnh vực, UBND tỉnh xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể và phê duyệt hàng nghìn danh mục đầu tư; các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở đều tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân, phát triển chăn nuôi và cung cấp khối lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Giai đoạn 2013-2020, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 12 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả cao; hỗ trợ gieo cấy gần 98 nghìn ha các giống lúa chất lượng (chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh); gần 16 nghìn ha rau, quả sản xuất hàng hóa; trên 67 nghìn ha cây vụ đông. Riêng từ 2017 đến nay, đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng gần 1.900ha, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%. 

Nhờ vậy, dù tổng diện tích đất canh tác của tỉnh ngày càng bị thu hẹp để dành đất cho phát triển công nghiệp, đô thị nhưng năng suất, sản lượng và giá trị trồng trọt không ngừng tăng. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỉnh đã có một số sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, ớt quả, chuối tiêu hồng; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP. Năm 2020, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt 145 triệu đồng/ha.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh cả về chất và lượng, đặc biệt, chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 112/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% tổng số xã; có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 18 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng sản phẩm (OCOP).

Những kết quả đáng tự hào về phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn thời gian qua đã và đang hỗ trợ tích cực để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp vào những năm 20 của thế kỷ XXI và trở thành đô thị Vĩnh Phúc giàu đẹp, phồn vinh trong tương lai.

Đức Nam
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.