Vĩnh Phúc: Tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19

Địa phương
12:11 PM 22/08/2021

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ngắn gọn trong 60 phút, từ 7h30 ngày 5/9/2021 tới đây. Các nghi thức trong lễ khai giảng gồm: Chào cờ - hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đại diện lãnh đạo cấp trên (nếu có) tặng hoa chúc mừng, đánh trống khai trường. Đáng chú ý, lễ khai giảng không tổ chức văn nghệ chào mừng như các năm trước.

Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc, đơn vị có học sinh học chương trình GDTX cấp THPT về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2021-2022. Đối với trường có lãnh đạo tỉnh đến dự lễ khai giảng, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn riêng. Các trường phổ thông còn lại tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ngắn gọn theo một trong hai hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Với lễ khai giảng tổ chức trực tiếp, học sinh ngồi tại lớp. Lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến, học sinh ở nhà theo dõi các nội dung khai giảng chung tại phòng họp của nhà trường được truyền qua mạng hoặc hệ thống dạy học trực tuyến...

Vĩnh Phúc: Tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Năm học 2021-2022 tới đây, lễ khai giảng sẽ được diễn ra ngắn gọn đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, không tổ chức khai giảng vào ngày 5/9, mà tổ chức hoạt động chào đón năm học mới vào đầu giờ sáng ngày 6/9 tại lớp học. Sau khi kết thúc khai giảng, các trường phổ biến nội quy, quy định của nhà trường, giới thiệu hoạt động giáo dục, phương pháp học tập, rèn luyện ở trường lớp. Học sinh toàn tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu chương trình học kỳ I từ ngày 6/9. Riêng lớp 1, thời gian bắt đầu học kỳ I tính từ ngày tựu trường 23/8.

Ngoài ra, văn bản của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc còn hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở, đơn vị giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, thực hiện các nội dung liên quan đến rà soát sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo cân đối về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, ưu tiên bố trí đủ giáo viên lớp 1, lớp 2, lớp 6.

Đối với các trường thiếu giáo viên, xây dựng phương án dạy tăng giờ phù hợp, hợp đồng thêm giáo viên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp cung ứng, hướng dẫn học sinh mua đủ hoặc tận dụng sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập, tránh lãng phí. Các đơn vị cần đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,  duy trì nền nếp học tập ngay từ đầu năm học; Quản lý các khoản thu và chi tài chính theo Nghị quyết số 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh, công khai thu chi đầu năm học, nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong nhà trường; Xây dựng kịch bản cho cả năm học, chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển đổi hình thực dạy học phù hợp với tình huống bệnh dịch phức tạp, đảm bảo khung thời gian kế hoạch năm học; Đảm bảo an toàn trường lớp, an toàn, vệ sinh phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong Lễ khai giảng và suốt năm học;

Ngoài áp dụng đầy đủ biện pháp, khuyến cáo của các cấp, ngành Trung ương và địa phương về phòng chống dịch bệnh Covid-19, hiệu trưởng nhà trường cần chỉ đạo học sinh, phụ huynh tuyệt đối không tụ tập bên ngoài lớp học. Giáo viên giám sát đảm bảo học sinh giải lao tại lớp với phương châm lớp giãn cách lớp và lớp tự bảo vệ lớp để phòng chống dịch Covid-19.

Đức Nam
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).