Vĩnh Phúc: Vượt khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95%

Địa phương
09:48 PM 04/10/2024

Từ đầu năm đến nay dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt những chỉ số phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Với kết quả đạt được trong 9 tháng qua, đặt ra kỳ vọng kết thúc năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển theo kế hoạch.

Chiều 4/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thường kỳ quý III, thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Vĩnh Phúc: Vượt khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95%- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo

Theo đó, trong 9 tháng qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó có nhiều khó khăn chưa có tiền lệ.

Trước bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu có mức tăng khá hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt đã có một số chỉ tiêu đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024. 

GRDP đứng thứ 8/11 vùng đồng bằng sông Hồng

Quý III năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có sự phục hồi trở lại; ước tăng trưởng đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc (cao nhất từ đầu năm đến nay). Qua đó đưa tốc độ tăng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95% so với cùng kỳ (đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024), đứng thứ 20/63 cả nước; đứng thứ 8/11 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản ước tăng 2,16%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 11,69%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,21%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) ước tăng 2,41%.

Vĩnh Phúc: Vượt khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95%- Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc phục hồi trở lại

Ước tổng thu ngân sách của tỉnh 9 tháng năm 2024 đạt 20.535 tỷ đồng, đạt 64,60% dự toán, tăng 8,30% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.860 tỷ đồng, bằng 63,90% dự toán, tăng 9,80% so với cùng kỳ; thu xuất, nhập khẩu ước thực hiện 3.675 tỷ đồng, đạt 62% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 2,10% so với cùng kỳ.

Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2024 là 12.268 tỷ đồng (chưa bao gồm chi tạm ứng của các dự án, xây dựng cơ bản…) đạt 57,30% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bức tranh chung của Vĩnh Phúc, giải ngân đầu tư công cũng là một trong những điểm sáng của địa phương. Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, kế hoạch đầu tư công 9 tháng năm 2024 đạt được một số kết quả tích cực: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh (ước tính đến ngày 30/9/2024) đạt 4.457,2 tỷ đồng bằng 57,3% so với kế hoạch vốn Trung ương giao cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 47,29%); xếp thứ 13/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng. So với số vốn kế hoạch tỉnh giao đạt 46,8%, trong đó vốn kế hoạch năm 2024 đạt 47,7%, vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài đạt 21,6%.

Một số huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao, như: huyện Bình Xuyên 97,6%; huyện Yên Lạc 90,5%; TP Vĩnh Yên 74,3%; huyện Lập Thạch 73,8%; huyện Sông Lô 67,3%; huyện Vĩnh Tường 62,4%; một số huyện, thành phố giải ngân còn thấp, như: TP Phúc Yên 48,7%; huyện Tam Đảo 51,1%; huyện Tam Dương 56,8%.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chú trọng cải thiện. Thu hút vốn FDI 9 tháng đạt kết quả cao với tổng số vốn ước đạt 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm (mục tiêu năm 2024 thu hút 400 triệu USD), trong đó có 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay. Thu hút vốn đầu tư DDI ước đạt 4.640,2 tỷ đồng, đạt 84,4% kế hoạch năm 2024 (5.500 tỷ đồng) và chỉ bằng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Netzero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; chuỗi giá trị về sản xuất linh kiện, điện tử có Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Tập đoàn Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ... Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn. Tuy nhiên, với việc quyết định tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm, nỗ lực cao hơn, xác định các vấn đề khó khăn, thách thức các ngành, lĩnh vực, địa phương để đáp ứng thời gian giải quyết, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. 

Tăng cường mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý quy hoạch, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao; tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục và đào tạo…

Nghĩa Đồng
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.