Vĩnh Thuận: Một năm bứt phá với diện mạo nông thôn khởi sắc
Năm 2022 dần khép lại, một năm với nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của mỗi người dân, kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Thuận anh hùng trong năm qua đã có những bứt phá đáng tự hào, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Một năm vượt khó bứt phá... 18/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt
Năm 2022, do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; giá cả nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao; các mặt hàng nông sản không ổn định, giá cả xuống thấp, tiêu thụ khó khăn, mặt hàng xăng - dầu có lúc khan hiếm, thời tiết diễn biến phức tạp... từ đó ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Mặc dù, gặp nhiều khó khăn là thế, nhưng ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Vĩnh Thuận đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế và tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp vừa tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát huy tối đa lợi thế của địa phương, do vậy kinh tế tiếp tục ổn định, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả khá quan trọng trên nhiều mặt, có 18/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết HĐND huyện đạt và vượt so kế hoạch.
Theo đó, giá trị sản xuất một số ngành kinh tế đạt 6.303,04 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp - thủy sản đạt 4.604,04 tỷ đồng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 604,39 tỷ đồng, xây dựng 1.094,61 tỷ đồng. Huyện Vĩnh Thuận thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã thu hoạch dứt điểm các vụ lúa sản xuất trong năm, năng suất bình quân 5,60 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 117.634,52 tấn với diện tích lúa Đông Xuân và lúa trên nền tôm niên vụ 2022-2023 xuống giống 16.487 ha, đã thu hoạch 4.500 ha. Trồng màu được 507,16ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng 9.128,88 tấn. Triển khai thực hiện kế hoạch cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện, đến nay đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp được 13/30 mã.
Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 36.165,2 tấn với diện tích 29.510ha, sản lượng tôm nuôi thu hoạch 20.863 tấn, giá trị 3.398 tỷ 150 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 604 tỷ 389 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2.564,57 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 54 tỷ đồng.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản, huyện đã tập trung các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn các công trình đầu tư năm 2022 theo kế hoạch vốn phân bổ. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trên địa bàn, với tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội là 983 tỷ 650 triệu đồng.
Song song đó, Vĩnh Thuận cũng tập trung quyết liệt các giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác xây dựng NTM, nhất là chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém nâng lên chất lượng hoàn thành các tiêu chí xã, huyện NTM. Kết quả có 7/7 xã NTM, huyện Vĩnh Thuận được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Đặc biệt, huyện Vĩnh Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ chủ đầu tư Tiểu dự án Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận, trong đó tuyến chính dài 17,1km với 350 hộ dân đã tổ chức chi trả bồi thường, có 306 hộ nhận, với số tiền trên 130 tỷ đồng, đạt 86,97%, diện tích đất thu hồi đạt 90,57%; tuyến nối và Khu tái định cư đã hoàn thành đo đạc, kiểm đếm và đang tiến hành phát phiếu lấy ý kiến, phê duyệt Phương án bồi thường…
Các phong trào thể dục thể thao được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt, chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới 2022-2023. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được kịp thời, phong phú, đa dạng với nhiều hình thức. Xây dựng chính quyền và cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo. Tuyển, chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt chỉ tiêu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tình hình cháy nổ không xảy ra...
Phấn đấu năm 2023 giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 653 tỷ đồng
Năm 2023, là năm quan trọng trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025... với những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Huyện Vĩnh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm".
Triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp mang tính chất đầu tư năm 2023, nhất là tập trung các công trình, dự án trọng điểm; thanh, quyết toán kịp thời các công trình khi có khối lượng hoàn thành. Thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 và kế hoạch năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023.
Tiếp tục duy trì giữ vững huyện đạt chuẩn NTM; phấn đấu, tập trung đầu tư xã Bình Minh từng bước đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch. Gắn với chỉ đạo củng cố, nâng lên chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới còn yếu, thiếu bền vững. Khai thác hợp lý các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tập trung xử lý nợ đọng, nợ xấu kéo dài, các trường hợp gian lận, trốn thuế, phấn đấu thu ngân sách 40,500 tỷ đồng trở lên.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất hiện có, phấn đấu giá trị đạt 653 tỷ đồng. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát triển mới các loại hình thương mại, dịch vụ, đầu tư các chợ xã góp phần tăng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, tiếp tục tranh thủ với tỉnh và kêu gọi đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, khu thương mại thị trấn Vĩnh Thuận, khu cụm công nghiệp ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Phong, đường ven sông Cái Lớn... để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tập trung thực hiện đầu tư phát triển đô thị thị trấn theo lộ trình tại Quyết định 1636/QĐ-UBND ngày 23/7/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị trấn Vĩnh Thuận đến năm 2025 gắn với tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị. Hoàn thành việc đầu tư khu tái định cư thị trấn Vĩnh Thuận.
Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm. Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được duy trì nề nếp, hiệu quả. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được chú trọng và thực hiện đúng quy định. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện bài bản, khoa học, bám sát quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của cấp trên. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên.
Song song đó, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng được duy trì nề nếp. UBND huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng tăng cường kỷ cương, kỷ luật; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện và định hướng của ngành, hội cấp trên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở....
Bài và ảnh: Văn DươngVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.