Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 4 tuần trên màn hình điện thoại và máy ATM

Sức khỏe
04:37 PM 12/10/2020

Tiến sỹ Eagles cho biết nếu một người bị nhiễm COVID-19 hắt hơi hoặc ho gần một chiếc điện thoại, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên chiếc điện thoại đó trong một thời gian lên tới 28 ngày.

Kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học Australia công bố trên tạp chí Virology ngày 12/10 đã cho thấy virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sống tới 28 ngày trên các bề mặt như màn hình điện thoại di động và máy ATM.

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 4 tuần trên màn hình điện thoại và máy ATM - Ảnh 1.

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 4 tuần trên màn hình điện thoại và máy ATM. Hình minh họa

Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia - ông Trevor Drew cho biết nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIRO) Australia đã tiến hành thử nghiệm xem virus SARS-CoV-2 tồn tại bao lâu trên các bề mặt như bông, giấy, thép không gỉ, thủy tinh và nhựa vinyl.

Theo giáo sư Drew, các thiết bị màn hình cảm ứng như điện thoại di động, máy ATM, quầy thanh toán tự phục vụ ở siêu thị và quầy làm thủ tục ở sân bay là những bề mặt cảm ứng có thể không được làm sạch thường xuyên, theo đó gây ra nguy cơ lây nhiễm.

Giáo sư Drew cho biết: “Điều quan trọng là phải nắm rõ loại virus này có thể tồn tại trong bao lâu, để chúng ta biết cần phải thường xuyên tẩy trùng các đồ vật ra sao và các bề mặt tiếp xúc tiềm ẩn những nguy cơ nào."

Các nghiên cứu trước đó cho thấy virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 có thể tồn tại trong không khí trong tối đa 3 giờ và trên bề mặt nhựa và thép không gỉ trong tối đa 3 ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia cho thấy virus tồn tại nguyên vẹn trên hầu hết các bề mặt trong khoảng 6 đến 7 ngày, trước khi bắt đầu mất hiệu lực.

Giáo sư Drew nhấn mạnh: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng thậm chí sau hai tuần, vẫn còn rất nhiều virus tồn tại trên các bề mặt đó và có khả năng lây nhiễm sang con người. Từ đó, chúng tôi có thể suy ra rằng ngay cả bộ đồ ăn trong nhà hàng cũng là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn, do dao hay kéo thường được làm bằng thép không gỉ."

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại hơn một tháng trên một số bề mặt như thủy tinh và tiền giấy (thời gian tồn tại trên tiền giấy lâu hơn trên tiền polymer).

Theo tiến sỹ Debbie Eagles - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó dịch bệnh Australia, những phát hiện mới này là đáng lo ngại khi chúng cho thấy virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn các loại virus khác như cúm (chỉ tồn tại vài ngày), hoặc thậm chí là cả các chủng virus corona khác.

Với kết quả nghiên cứu trên, các chuyên gia cho rằng ngoài khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19, con người vẫn có thể bị nhiễm bệnh nếu chạm vào bề mặt có virus SARS-CoV-2 tồn tại và thậm chí có khả năng nuốt phải virus này. Do đó, chúng ta cần thường xuyên sử dụng khăn lau và dung dịch rửa tay tẩy trùng, hạn chế chạm vào các bề mặt, đồng thời bỏ thói quen đưa tay lên mặt.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4

Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.