VN-Index 'chạy đua marathon', cổ phiếu chứng khoán 'đọ sắc tím'
Chỉ số VN-Index vẫn liên tục lập đỉnh mới của năm 2020 bất chấp những cảnh báo rủi ro thị trường tăng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong phiên giao dịch chiều 21/12, chỉ số VN-Index như được dòng tiền chảy mạnh tiếp sức cho "cuộc đua marathon", chính thức chinh phục thành công ngưỡng 1.080 điểm. Trong khi, trước đó, khi tạm dừng phiên sáng, chỉ số này khi vừa chạm được vùng đỉnh mới 1.080 điểm thì đột ngột giảm biên độ xuống còn trên mốc 1.070 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 13,62 điểm (+1,28%), lên 1.081,08 điểm khi có 292 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 713,66 triệu đơn vị, giá trị 14.336,67 tỷ đồng, tăng 14,43% về khối lượng và 8,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.235 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với điển hình là MBB dẫn đầu thanh khoản khi khớp 26,92 triệu đơn vị, STB khớp 25,78 triệu đơn vị, TCB và ACB cùng khớp hơn 22 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, diễn biến trong nhóm khá phân hóa với các mã lớn chỉ giao dịch lình xình như VCB đứng giá tham chiếu, CTG, TCB và BID tăng nhẹ trên dưới 1%, trong khi ở các mã có vốn hóa thấp hơn như EIB vẫn duy trì sắc tím, VPB tăng 4,27% lên mức 33.000 đồng/CP, HDB tăng 5,27% lên 24.950 đồng/CP.
Tâm điểm là nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nóng lên với hàng loạt mã lớn bé đua trần như SSI, VND, CTS, AGR, HBS, PSI, SHS, TVS, VIG, SBS, ART. Ngoài ra, các mã VIX, BSI. IVS, MBS cũng tăng gần hết biên độ. Trong đó, SSI có thanh khoản tốt nhất của nhóm với khối lượng khớp hơn 14 triệu đơn vị, trong khi trên HNX, SHS khớp 8,21 triệu đơn vị.
Bộ 3 nhà Vingroup cũng có đóng góp tích cực cho chỉ số chung với 2 mã lớn VHM và VIC tăng trên 1-2%, đồng thời thanh khoản cũng khá sôi động với VRE khớp gần 10 triệu đơn vị, còn VHM khớp 3,32 triệu đơn vị.
Không chỉ nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khởi sắc, nhiều mã thị trường và và nhỏ cũng bước vào đợt sóng mới với các mã FIT, KBC, ASM, TLD, EVG, QCG, VRC… cũng đọ sắc tím.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng được kéo lên cao hơn trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (+0,97%), lên 70,95 điểm với 155 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,44 triệu đơn vị, giá trị 666,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị 104,32 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tăng 6,52% lên mức 9.800 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động, vượt trội trên UPCoM với hơn 13,83 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Theo sát là người anh em OIL có khối lượng giao dịch đạt hơn 4,88 triệu đơn vị, nhưng đáng chú ý là mã này đã tăng trần thành công khi kết phiên ở mức giá 10.300 đồng/Cp.
Hàng loạt mã nhỏ như SBS, DRI, VHM, PFL, KSH cũng khoe sắc tím với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán SBS có phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp.
Trên sàn HNX, thị trường cũng bứt phá mạnh trong phiên chiều nhờ dòng tiền ồ ạt chảy vào.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,09 điểm (+2,88%), lên 182,11 điểm với 104 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.479 tỷ đồng, tăng 30,37% về lượng và 39,44% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,8 triệu đơn vị, giá trị 296,22 tỷ đồng.
Bên cạnh dòng chứng khoán trên sàn HNX tiếp tục tăng mạnh, nhiều mã lớn cũng giao dịch khởi sắc hơn, đã tiếp sức cho đà tăng của thị trường.
Cụ thể như SHB tăng 3,5% lên 17.900 đồng/CP, PVS tăng 1,9% lên 16.400 đồng/CP, IDC tăng 4,1% lên 38.400 đồng/CP, NVB tăng 1,1% lên 8.800 đồng/CP, VCG và VCS cùng tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Đặc biệt, cổ phiếu THD đã có màn đảo chiều ngoạn mục trong thời gian ngắn cuối phiên, giúp cổ phiếu này duy trì mạch tăng nối dài từ cuối tháng 11 đến nay. Kết phiên, THD tăng 7% lên mức giá cao nhất ngày 80.000 đồng/CP và khớp hơn 0,52 triệu đơn vị.
Trong đó, bộ đôi lớn SHB và PVS dẫn đầu thanh khoản trên HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 12,69 triệu đơn vị và 11,74 triệu đơn vị.
Theo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore. Đặc biệt, năm 2025 có thể đánh dấu cột mốc Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.