VN-Index "đánh rơi" 25 điểm, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đồng loạt tặng nhà đầu tư "hoa hồng đỏ" trong ngày 8/3

Chứng khoán
07:19 PM 08/03/2022

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng chưa chắc doanh nghiệp và ngành nào liên quan đến hàng hóa cơ bản cũng có thể được hưởng lợi từ sự leo thang của giá các mặt hàng trên toàn cầu.

Nhà đầu tư đã được tặng hàng loạt đóa "hoa hồng đỏ" trong phiên giao dịch ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ khi áp lực bán diễn ra ngày càng mạnh, VN-Index lùi sâu về ngưỡng điểm thấp nhất phiên, "đánh rơi" hơn 25 điểm về sát ngưỡng 1.470. Với mức giảm mạnh này, vốn hóa sàn HOSE đã "bốc hơi" 100.159 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch

Đáng chú ý trong phiên giảm điểm mạnh hôm nay, sắc đỏ ghi nhận tại hầu hết các cổ phiếu hàng hóa cơ bản. Những cổ phiếu như thép, dầu khí, phân bón, than - được kỳ vọng hưởng lợi từ giá hàng hóa - đều bị chốt lời mạnh và hầu hết đều giảm điểm, thậm chí nhiều mã giảm gần hết biên độ.

Cụ thể, cổ đông thép lại có phiên giao dịch không mấy tích cực khi gần như toàn bộ cổ phiếu ngành này đều điều chỉnh giảm trong phiên, HSG giảm 4,8%, POM giảm 4,8%, SMC giảm 4,7%, TLH giảm 4,4%, HPG giảm 3,2%, NKG giảm 2,6%... 

VN-Index đánh rơi 25 điểm, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đồng loạt tặng nhà đầu tư hoa hồng đỏ trong ngày 8/3 - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu nhóm thép phiên 8/3

Tương tự, ngoại trừ PVC, POW, PVD giữ được sắc xanh tăng giá, phần lớn mã cổ phiếu nhóm dầu khí đều kết phiên 8/3 trong sắc đỏ, PVB, POS, PPY, PLX, GAS đồng loạt giảm với biên độ trên 3%.

VN-Index đánh rơi 25 điểm, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đồng loạt tặng nhà đầu tư hoa hồng đỏ trong ngày 8/3 - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu nhóm dầu khí phiên 8/3

Sau phiên "tím lịm" đầu tuần, cổ phiếu phân bón dưới áp lực chốt lời mạnh cũng đã quay đầu giảm giá, DGC, DPM, BFC, DCM đều giảm trên 2%; tương tự nhóm ngành than cũng không tránh khỏi lực bán gia tăng mạnh, TVD, NBC, TC6, THT, HLC, MDC giảm mạnh trên 5%, tuy nhiên TDN lại ngược dòng khi tăng trần 9,9% lên 21.100 đồng/cp.

VN-Index đánh rơi 25 điểm, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đồng loạt tặng nhà đầu tư hoa hồng đỏ trong ngày 8/3 - Ảnh 3.

Diễn biến cổ phiếu nhóm phân bón phiên 8/3

VN-Index đánh rơi 25 điểm, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đồng loạt tặng nhà đầu tư hoa hồng đỏ trong ngày 8/3 - Ảnh 4.

Diễn biến cổ phiếu nhóm than phiên 8/3

Thời gian qua, bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn đã đẩy giá các loại hàng hóa trên trường quốc tế lên mức đỉnh cao mới khi những lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng. Nhóm cổ phiếu tăng theo chu kỳ giá hàng hoá được dòng tiền tìm tới khi được cho là nơi trú ẩn an toàn giữa "bão giá" được dự báo tiếp tục trong ngắn hạn và tình hình kinh tế không ổn định.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng chưa chắc doanh nghiệp và ngành nào liên quan đến hàng hoá cơ bản cũng có thể được hưởng lợi từ sự leo thang của giá các mặt hàng trên toàn cầu.

Cụ thể, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang đẩy giá than lên mức cao kỷ lục, tuy nhiên các doanh nghiệp ngành than Việt Nam sẽ không chịu tác động quá lớn bởi lẽ giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá khác biệt.

Các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm và phải bán cho doanh nghiệp thương mại theo quy định. Giá than trong nước thường chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.

Trong khi đó, giá quặng sắt, than cốc tăng vô hình chung có thể đẩy giá chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất thép lên cao, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Mặt khác, giá nhiên liệu này cũng sẽ tiếp tục gây ra sự leo thang trong giá cước vận chuyển hàng hóa toàn cầu, những doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thép/tôn mạ sẽ phải chịu những tác động tiêu cực liên quan đến chi phí vận chuyển.

Nhóm ngành được cho là có sự nhạy cảm với giá dầu - chính là các doanh nghiệp dầu khí - cũng chưa hẳn sẽ được hưởng lợi hoàn toàn khi giá dầu tiếp tục neo ở mức cao khi mà việc triển khai các dự án dầu khí lớn có độ trễ về tiến độ triển khai, qua đó có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận các doanh nghiệp thượng nguồn. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp dầu khí trung và hạ nguồn vẫn sẽ được hưởng lợi theo đà tăng của giá bán. 

Đồng quan điểm, SSI Research cho rằng biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến PV GAS (mã GAS) như tăng/giảm doanh thu, biên lợi nhuận và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao. Tương tự, tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho của Petrolimex (mã PLX), PV OIL (mã OIL) hay tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho của Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đều có mức độ tương quan rất cao với giá dầu.

Mặt khác, với các công ty dầu khí thượng nguồn như PVD, PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa và các dự án, mang tính chất dài hạn hơn. Song, nếu giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.

Ngoài ra, đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, phân đạm, việc giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.

Phương Linh
Ý kiến của bạn