VN-Index rung lắc mạnh, nhà đầu tư thận trọng
Chỉ số VN-Index có nhiều diễn biến khó dự đoán nên hầu hết các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng trước khi quyết định giao dịch.
Thị trường chứng khoán diễn biến rung lắc mạnh trong phiên 12/11. Áp lực điều chỉnh nhiều thời điểm gia tăng mạnh tại nhóm vốn hóa lớn. Kết phiên, VN-Index giảm 5,50 điểm (-0,44%) về mức 1.244,82 điểm. Thanh khoản giảm với khối lượng -27,49% so với phiên trước.
Hầu hết các CTCK duy trì quan điểm thận trọng và cho rằng chỉ số chính vẫn chưa có khả năng trở lại xu hướng tăng điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị cần giao dịch thận trọng trong bối cảnh áp lực điều chỉnh vẫn tiềm ẩn.
Chứng khoán SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn là suy giảm dưới vùng kháng cự quanh 1.255 điểm - 1.260 điểm do VN30 đang chịu áp lực điều chỉnh về giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá thấp nhất tháng 9/2024 tương ứng quanh 1.285 điểm. SHS kỳ vọng áp lực điều chỉnh sẽ giảm và cân bằng ở vùng này đối với VN30.
Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thị trường có diễn biến cân bằng hơn và VN-Index vượt lên xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay. Tỉ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, đầu ngành.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, chỉ số VN-Index thêm lần nữa giảm dưới đường MA(200), vùng 1.253 điểm. Mặc dù được hỗ trợ gần vùng 1.240 điểm và hồi phục khá nhanh nhưng thị trường vẫn chưa thể trở lại trên đường MA(200). Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy dòng tiền có động thái hỗ trợ khi thị trường lùi nhanh về vùng hỗ trợ.
Sự hồi phục có thể xuất hiện trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật và tiếp tục quá trình thăm dò vùng MA(200). Dự kiến thị trường sẽ thận trọng tại vùng cản 1.255 - 1.260 điểm và tiềm ẩn rủi ro lùi bước trở lại.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái của thị trường. Hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.
Cũng giữ quan điểm thận trọng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược lướt sóng T+, tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân từng phần ở cổ phiếu có tín hiệu thu hút dòng tiền, lực cầu ổn định và vận động ngược với diễn biến điều chỉnh của thị trường.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao hoặc chưa có tín hiệu vượt đỉnh thuyết phục. Một số nhóm ngành đáng chú ý ở thời điểm hiện tại bao gồm: vận tải-cảng biển, thủy sản, công nghệ-thông tin.
Theo Chứng khoán Yuanta, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong vùng 1.240 - 1.250 điểm trong phiên giao dịch tới. Đồng thời, Yuanta kỳ vọng lực cầu có thể sớm gia tăng khi thị trường xuất hiện các nhịp giảm mạnh, do đó các nhà đầu tư cần hạn chế bán ra giai đoạn này, có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục ngắn hạn và mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.
Tích cực hơn đôi chút, Chứng khoán Asean thì cho rằng với bối cảnh thị trường đang gặp khó tại chốt chặng hỗ trợ quan trọng cùng yếu tố tích cực của vĩ mô trong nước, thị trường trong ngắn hạn sẽ có thể có các nhịp hồi chậm rãi trên cơ sở vận động đi ngang rũ bỏ dần áp lực bán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến của DXY, tỷ giá USD/VND và các động thái của NHNN trong thời gian tới để xác định thời điểm xu hướng hồi phục thực sự xuất hiện.
Minh An (t/h)Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…