VN-Index về đáy 20 tháng, khối ngoại "mải miết" gom VNM
Sự khởi sắc của "đầu tàu" VNM phần nào giúp thị trường vơi đi gánh nặng trước áp lực bán lan rộng đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng hồi phục.
Thị trường chứng khoán vừa nối dài chuỗi ngày ảm đạm khi VN-Index giảm 17,55 điểm với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 9.160 tỷ đồng. Trong bối cảnh VN-Index về mức điểm thấp nhất trong gần 2 năm (20 tháng), cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành điểm sáng hiếm hoi khi ngược dòng tăng ấn tượng với giao dịch khá sôi động.
Cổ phiếu này giữ sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch qua đó đóng cửa tăng 1,25% lên 72.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị. Điều này cho thấy sức hút của VNM bất chấp thị trường chung biến động không mấy thuận lợi.
Sự khởi sắc của "đầu tàu" VNM phần nào giúp thị trường vơi đi gánh nặng trước áp lực bán lan rộng đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng hồi phục. Với vốn hóa "khổng lồ", mức tăng của VNM đóng góp vào VN-Index gần 0,5 điểm, vượt trội so với hầu hết các cổ phiếu còn lại. Đây chính là điều thị trường trông đợi vào các Bluechips đầu ngành trong những thời điểm sóng gió bủa vây.
Đồ thị giao dịch của cổ phiếu VNM (xanh dương) trong tương quan so sánh với VNIndex (tím). Ảnh: Trading View
Thời gian gần đây, việc VNM tăng mạnh ngược sóng gió thị trường không còn xa lạ với giới đầu tư. Sau nhiều phiên "gồng gánh" VN-Index, cổ phiếu này đã hồi phục hơn 16,5% từ đáy xác nhận hồi giữa tháng 6. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 21.600 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), lên gần 152.000 tỷ đồng.
Bên cạnh dòng tiền nội, giao dịch tích cực của khối ngoại cũng phần nào hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu VNM thời gian qua. Ngay trong phiên 29/9 vừa qua, cổ phiếu đầu ngành sữa cũng được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh nhất trên sàn HoSE với giá trị gần 13 tỷ đồng. Trong gần 3 tháng trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,7 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng giá trị lên đến gần 940 tỷ đồng.
Mức định giá hấp dẫn so với khả năng tăng trưởng trong tương lai được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp VNM thu hút dòng tiền quay trở lại. Các công ty chứng khoán nhận định tín hiệu tăng trưởng của Vinamilk đến từ mức nền tiêu thụ thấp trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ sữa tăng cao nhằm cải thiện sức khỏe và nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cao hơn dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như sữa chua tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối trong nửa đầu năm được kỳ vọng sẽ mang lại những cải thiện nhất định về tăng trưởng doanh thu trong những quý tới. Ngoài ra, việc học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè trong quý 3/2022 và Tết nguyên đán đến sớm được trong đợi sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các tháng cuối năm.
Vinamilk đang có kế hoạch khởi công dự án nhà máy sữa Hưng Yên vào cuối tháng 12 năm nay. Siêu nhà máy có vốn đầu tư gần 200 triệu USD này được dự đoán là yếu tố quan trọng trong tham vọng gia tăng thị phần tại khu vực phía Bắc của Vinamilk.
LHKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.