VNPT dành hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội
Với tinh thần "tương thân, tương ái", đồng hành cùng gói an sinh xã hội của Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) dành 300 tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người lao động Việt Nam, gần 85% doanh nghiệp gặp khó khăn và đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của nhóm yếu thế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thông qua gói an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Điều này góp phần mang đến sự yên tâm cho người dân, khẳng định quan điểm nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng và Nhà nước.
Là tập đoàn kinh tế nhà nước, Tập đoàn VNPT luôn đồng hành cùng các chính sách của Chính phủ và chia sẻ gánh nặng với người dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Trước những tác động của dịch bệnh, mới đây, Tập đoàn VNPT chính thức triển khai chương trình ưu đãi đồng hành cùng gói an sinh xã hội của Chính phủ. Ước tính, tổng ngân sách của gói hỗ trợ này là hơn 300 tỷ đồng.
Tinh thần tương thân tương ái luôn là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của VNPT.
Gói hỗ trợ này được áp dụng đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ của VNPT và nằm trong danh sách các nhóm đối tượng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa bàn cung cấp, gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Hộ nghèo, cận nghèo; (3) Người lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương; (4) Lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; (5) Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; (6) Hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh; (7) Doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng: 4,5,6-2020; (8) Doanh nghiệp có 50% lao động nghỉ việc.
Theo đó, các nhóm đối tượng (1), (3), (4) và (5) sẽ được ưu đãi cước sử dụng dịch vụ di động VinaPhone. Cụ thể, thuê bao trả trước sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản chính; thuê bao trả sau sẽ được giảm 20% cước sử dụng trong tháng bằng cách trừ vào hóa đơn cước tháng.
Với nhóm đối tượng (2), (6) (7) và (8), VNPT sẽ tặng 20% cước sử dụng dịch vụ internet cáp quang FiberVNN, Home và trừ vào hóa đơn cước tháng của khách hàng. Chương trình ưu đãi sẽ áp dụng trong 3 tháng liên tiếp: 5, 6, 7-2020.
VNPT dành 300 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội sau dịch Covid-19.
Hiện, VNPT đang liên hệ với Sở Lao động - Thương bình và Xã hội các tỉnh, thành phố để lập danh sách người dân được nhận ưu đãi. Đồng thời, Tập đoàn VNPT cũng sẽ gửi tin nhắn thông báo chính sách này đến các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của VNPT nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng trong việc hỗ trợ khách hàng.
Trước đó, VNPT đã triển khai nhiều chính sách đến các đối tượng khác nhau trong xã hội, từ những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đến những hộ doanh nghiệp, gia đình, trường học. Thời điểm dịch bệnh mới diễn ra tại Việt Nam, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc đều được trải nghiệm miễn phí dịch vụ học trực tuyến E-learning của VNPT. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tăng gấp đôi tốc độ đường truyền internet cho các gói cước Home Combo với giá không đổi để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội. VNPT - VinaPhone, đơn vị thành viên của VNPT cũng dành tặng các gói cước 0 đồng đến những y, bác sĩ đang trực tiếp chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch…
Trong quá khứ, tinh thần "tương thân, tương ái" luôn là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh, đưa đất nước vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ. Giờ đây, trước những ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử mà dịch Covid-19 gây ra, VNPT triển khai chính sách hỗ trợ này với niềm tin rằng, tinh thần ấy một lần nữa lại được thắp sáng, đưa Việt Nam sớm vượt qua đại dịch.
Nguồn Báo Hànộimới
Tại Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, và trao đổi về triển khai Cơ chế JCM trong giai đoạn 2021 - 2030.