Vô tình "lướt sóng" thành cổ đông dài hạn, nhà đầu tư nên làm gì khi "kẹp hàng" cổ phiếu nóng?

Chứng khoán
03:38 PM 13/01/2022

Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn khi ván bài đầu cơ lật ngửa. Minh chứng rõ nét nhất là hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị xả không thương tiếc, chất sàn la liệt sau thông tin xử lý giao dịch chui cổ phiếu FLC và thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm.

Cổ phiếu họ FLC và bất động sản Thủ Thiêm "nhốt sàn" nhà đầu tư

"Cố ý trồng hoa, hoa không nở. Vô tình lướt sóng thành cổ đông" là câu nói vui của các nhà đầu tư chứng khoán, ám chỉ việc mua cổ phiếu với ý định "lướt sóng" nhưng vô tình trở thành cổ đông khi bị "mắc kẹt" không thể thoát hàng. Câu nói vui nhưng đầy chua chát trên có lẽ cũng là nỗi lòng của những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu "họ FLC" và hàng loạt mã bất động sản trong thời điểm hiện tại.

Tâm lý FOMO khiến nhiều nhà đầu tư bất chấp rủi ro, mạo hiểm "đua lệnh" cổ phiếu tăng nóng với mong muốn "ăn bằng lần" sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn khi ván bài đầu cơ lật ngửa. Minh chứng rõ ràng nhất là hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị "xả hàng" không thương tiếc, chất sàn la liệt sau thông tin xử lý giao dịch chui cổ phiếu FLC và thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm.

Chấm dứt chuỗi ngày hân hoan "gồng lãi" khi cổ phiếu tím lịm bất chấp thị trường chung đỏ lửa, cổ đông "họ FLC" có lẽ đang "đứng ngồi không yên" khi hàng chục triệu đến trăm triệu cổ phiếu đang bị chất sàn, bên mua trắng xóa. "Thảm hại" nhất là ROS khi giảm kịch sàn về mốc 12.050 đồng/cp, trong khi dư bán sàn lên đến 105 triệu cổ phiếu thì chỉ khớp lệnh được vỏn vẹn 295.100 đơn vị. 

FLC – cổ phiếu được "xướng tên" nhiều nhất trong những ngày gần đây cũng trong cảnh tương tự. Khối lượng dư bán sàn lên đến 64 triệu đơn vị trong khi chỉ khớp lệnh được gần 700.000 cổ phiếu. Hàng loạt mã khác trong "họ FLC" như HAI, KLF, ART cùng chìm sâu trong sắc xanh lơ, hàng chục triệu cổ phiếu được "rao" với giá sàn nhưng không ai mua.

Vô tình lướt sóng thành cổ đông dài hạn, nhà đầu tư nên làm gì khi kẹp hàng cổ phiếu nóng? - Ảnh 1.

Đáng chú ý, sau chuỗi ngày thanh khoản bùng nổ với tâm điểm là hơn 290 triệu cổ phiếu FLC khớp lệnh trong 2 phiên, thanh khoản nhóm này đã tụt dốc không phanh xuống vài nghìn đơn vị. Với khối lượng chất sàn "khủng" và thanh khoản èo uột như hiện tại, dù nhà đầu tư muốn bán tống bán tháo bằng mọi giá cũng khó có cơ hội.

Sự đảo chiều nhanh chóng khiến cho nhiều nhà đầu tư cầm hàng "từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu" nhìn tài khoản bốc hơi trong vô vọng. Đặc biệt là khi thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thông báo đăng ký bán ra một lượng lớn cổ phiếu lên tới 175 triệu cổ khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc cho rằng đang bị "lùa gà".

Sau thời kỳ huy hoàng được tung hô như những "siêu cổ" sáng giá nhất sàn chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu bất động sản cũng đáp sàn trong trạng thái dư mua chồng chất, thanh khoản tụt áp thảm hại. Nguyên nhân được cho là đến từ vụ bỏ cọc rúng động của Tân Hoàng Minh tại Thủ Thiêm đã kích hoạt tâm lý bán tháo trong nhóm cổ phiếu này.

Trong đó, điển hình là CII – cái tên được mệnh danh là "trùm đất" Thủ Thiêm đang trong cảnh bị "nhốt sàn" gần 27 triệu cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 263.300 đơn vị. Tương tự, hàng loạt cổ phiếu bất động sản như CEO, DIG, ITA, QCG. LDG, NBB,... cũng chính thức đáp sàn sau thời gian tăng mạnh.

Vô tình lướt sóng thành cổ đông dài hạn, nhà đầu tư nên làm gì khi kẹp hàng cổ phiếu nóng? - Ảnh 2.

Đây có thể coi là cú shock đầu tiên với các F0 trót "đu đỉnh" những mã này khi mới chân ướt chân ráo gia nhập thị trường chứng khoán trong tháng 1 vừa qua. Còn trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư rơi vào cảnh điêu đứng khi bị "nhốt" trên .

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ "nhốt sàn" kinh điển của nhóm "họ Louis" khi nằm sàn la liệt, mất hẳn thanh khoản sau chuỗi ngày tăng bốc hàng chục lần. Đến hiện tại, cổ phiếu TGG trong nhóm Louis đã "quay về nơi bắt đầu" khi phi một mạch từ giá 80.000 đồng xuống còn 13.900 đồng/cp (chốt phiên sáng 13/1).

Gần đây nhất là nhóm cổ phiếu IDI, TNI, SIF cũng khiến hàng loạt nhà đầu tư cay mắt, nhiều người "cháy tài khoản" vì bị giam sàn hàng chục phiên không thể thoát hàng.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Bàn về vấn đề này, Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng đã có hàng loạt minh chứng sống được phơi bày cùng với những cảnh báo về mức độ rủi ro của nhóm cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, trong men say chiến thắng thì tất cả mọi lời khuyên đều trở nên vô nghĩa. Nhiều nhà đầu tư vẫn lao như thiêu thân vào nhóm cổ phiếu nóng với kỳ vọng mức giá trên trời dù nội tại yếu kém.

Theo dự báo của ông Điệp, dòng tiền đã chốt lời được ở những cổ phiếu "nóng" sẽ tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu tốt có giá trị nội tại tốt và đang được định giá hợp lý. Theo đó, nhà đầu tư cần tuyệt đối tránh việc "bắt đáy" nhóm cổ phiếu đầu cơ trong thời điểm này.

Vô tình lướt sóng thành cổ đông dài hạn, nhà đầu tư nên làm gì khi kẹp hàng cổ phiếu nóng? - Ảnh 3.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp

Theo chuyên gia, trong khi cổ phiếu đang trong đà lao dốc, việc quan trọng nhất là tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra cho mình phương hướng xử lý. Đối với những nhà đầu tư đang trong cảnh bị "kẹp hàng" cổ phiếu nóng, vị chuyên gia đưa ra hai lời khuyên.

Đầu tiên, nhà đầu tư không nên cố thủ với cổ phiếu. Theo ông, nhiều nhà đầu tư không bán được cổ phiếu thì thường có tâm lý nản, thực hiện hủy lệnh bán và chọn phương án cố thủ với cổ phiếu đó cho đến khi thanh khoản quay lại. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ dành cho những cổ phiếu có nội tại tốt, còn đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ lên ở đâu rất dễ sẽ xuống ở đó. Vì vậy, nếu nhà đầu tư bị "kẹp hàng" trên mức giá đỉnh hãy kiên nhẫn chờ đợi cơ hội và luôn đặt sẵn lệnh để thoát cổ phiếu.

Thứ hai, nhà đầu tư tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp bình quân giá. Bởi vốn dĩ phương pháp này chỉ dành cho những cổ phiếu tốt và vẫn còn tiềm năng tăng giá. Còn đối với những cổ phiếu đầu cơ, đà giảm sâu giảm sốc hoàn toàn có thể tiếp diễn, việc "xuống tiền" trong thời điểm này sẽ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Khi tham gia "game" đầu cơ, ông Điệp cho rằng nhà đầu tư cần tỉnh táo làm chủ cuộc chơi và xác định tư tưởng "một sống một còn" nếu all in vào cổ phiếu. Bởi, nhà đầu tư có thể thắng trong vài trận chiến nhỏ, nhưng có thể "mất sạch" trong những trận chiến lớn. Theo chuyên gia, đối với cổ phiếu đầu cơ chỉ nên "tham chiến" một tỷ trọng nhỏ và dựa trên hai nguyên tắc:

Thứ nhất, quan sát dòng chảy của cả nhóm cổ phiếu đầu cơ. Theo chuyên gia, cổ phiếu đầu cơ thường chạy theo nhóm, có nghĩa dòng tiền sẽ cùng lúc chảy vào một vài cổ phiếu thay vì chỉ một mã riêng lẻ. Khi đó, dù không phải cổ phiếu mình nắm giữ, song nhà đầu tư cần quan sát kỹ cả nhóm đó. Nếu nhìn thấy có dấu hiệu giảm ở một cổ phiếu nào đó, rất có thể trend tăng giá của cả nhóm cổ phiếu đã sắp kết thúc.

Thứ hai, tuyệt đối không "tắm 2 lần trên 1 dòng sông". Nhiều nhà đầu tư thường có xu hướng bắt đáy, "ăn" vòng 2 khi cổ phiếu điều chỉnh giảm 30-40%. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng hành động này vô cùng rủi ro, bởi đáy của cổ phiếu đầu cơ hoàn toàn không có giá trị. Vì vậy, khi mua  cần lưu ý chỉ mua theo chiều lên chứ không bắt chiều xuống và tuyệt đối không "tắm 2 lần trên 1 dòng sông".

"Sau cơn say chiến thắng khi thị trường chứng khoán thăng hoa, hiện tại có thể là thời điểm các nhà đầu cơ lắng lại, nhìn sâu hơn vào thị trường và định hướng cho mình một phương hướng đầu tư có chiến lược và bền vững hơn", chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp đưa ra lời khuyên.

Minh Châu
Ý kiến của bạn