Với mỗi nhà báo, đầu tiên phải là người tử tế

Tiếp thị
06:08 PM 06/02/2024

Đó là lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với đội ngũ nhà báo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa qua, tại Hà Nội.

Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là "Báo chí cách mạng", với sứ mệnh "phụng sự Nhân dân". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".

Với mỗi nhà báo, đầu tiên phải là người tử tế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị báo chí toàn quốc năm 2023. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Tính chính xác, nhân văn của báo chí là giá trị cốt lõi và là một trong những lý do tồn tại của báo chí, bởi qua đó tạo sức mạnh để báo chí bảo vệ các giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và người dân. Xã hội hiện đại ngày nay lấy con người làm "trung tâm", vì vậy báo chí cũng cần chú trọng hướng đến những câu chuyện liên quan đến thân phận con người. Những câu chuyện đó được viết lên bằng cây bút của nhà báo. 

Dưới ngòi bút của nhà báo, bài viết phải khiến cái tốt nảy nở, cái xấu thu hẹp lại, được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ. Muốn vậy trước tiên nhà báo phải là người tử tế, bởi như lời Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu: "Nếu không là người tử tế thì sản phẩm chắc chắn không thể tử tế được".

Thực tiễn khẳng định, trong gần 100 năm đồng hành cùng dân tộc, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng được xem là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn phản ánh những điều tốt đẹp, đồng thời phê phán đấu tranh, chống lại cái xấu. 

Mỗi phóng viên, nhà báo đều xác định sâu sắc dù cách thức làm nghề và phương thức làm nghề có thể khác và cần phải khác với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhưng tâm thế làm nghề, lý tưởng làm nghề và đạo đức làm nghề thì không thể khác. 

Nhà báo phải làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân. Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi nhà báo làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà nhà báo "gặt hái" được. Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các nhà báo. 

Thực tế cho thấy, chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Có những vụ việc, sự kiện tuy pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép hoặc thời điểm thông tin "nhạy cảm", chưa thích hợp, đòi hỏi nhà báo phải có nhãn quan chính trị, có lương tri mà suy tư, trăn trở.

Nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, có rất nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo bằng công việc của mình làm nên các việc nhân văn, những câu chuyện tử tế. Hầu hết các nhà báo đều coi giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. 

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương kể lại câu chuyện tình cờ ông đã đọc bài báo viết về bà Triệu Mùi Chài, bị coi là "sơn nữ mặt quỷ" ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng do bà bị khối u ở mặt hơn 20 năm. Bài báo thật sự gây ấn tượng sâu sắc với ông và ông đã cùng các đồng nghiệp quyết định phẫu thuật lấy được khối u khủng khiếp nặng tới gần 4 kg chứa toàn dịch nhầy và bã đậu. Sau đó bà Chài đã có một gương mặt nhẹ nhàng, được trở về với cuộc sống của một người bình thường. 

Còn rất nhiều câu chuyện tử tế có thể kể đến như: Nhà báo Phạm Thanh Hà - người tận tụy với con đường đất trên ốc đảo Hồ Cấm Sơn; Nhà báo Trần Mai Anh với câu chuyện của bé Thiện Nhân; Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đi từng chặng đường để đến với những số phận nghèo khổ của đất nước; Nhà báo Hoàng Anh - người đưa những bình oxy tới bệnh nhân COVID-19 hay nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên với chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly"... Tại Thái Bình, Báo Thái Bình cũng đã tổ chức chương trình thiện nguyện "Trái tim nhân ái", Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh với chương trình "Tiếp sức đến trường"... tạo được dấu ấn tốt trong nhân dân và có sức lan tỏa cao.

Với mỗi nhà báo, đầu tiên phải là người tử tế- Ảnh 2.

Sắc xuân

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X; nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư cũng là cây đại thụ trong làng báo. Ông là một người thầy dạy nghề thực sự, một người thầy rất yêu, rất say nghề, rất yêu quý và chăm chút cho từng học trò trong nghề báo. 

Còn nhớ, ông đã từng nói : "Mỗi nhà báo có thể viết một bài báo hay, nhiều bài báo hay, có tác động đối với dự luận xã hội. Nhưng điều quan trọng đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo là sự tin cậy, quý mến của độc giả. Sự tin cậy, quý mến đó được hình thành từ phẩm chất chính trị, năng lực và đạo đức, thể hiện trong các tác phẩm và trong giao tiếp xã hội của người làm báo. Sự trung thực của người viết báo và tờ báo luôn được coi là phẩm chất hàng đầu. 

Làm báo trước hết là làm chính trị, mỗi dòng tin, bài báo viết ra phải từ trách nhiệm góp phần vào sự ổn định và phát triển của quê hương, đất nước. Phải đặt làm người trước khi làm báo. Nhà báo phải là người có cái tâm trong sáng, cuộc sống mẫu mực; là người hiểu sâu sắc và thực thi theo pháp luật một cách nghiêm cẩn nhất. 

Buồn thay, trong đội ngũ làm báo, lác đác vẫn có những nhà báo mà mỗi lần nhắc đến họ, cơ sở thường xì xào, e ngại, không muốn "dây" vào, dễ "rách việc". Không muốn dây vào, có nghĩa là người ta không tôn trọng, không còn sự tin yêu, tin cậy của độc giả thì dù gì anh ta cũng chỉ là người đi "buôn lậu" với cái nhãn mác báo chí mà thôi". Đi "buôn lậu" với cái nhãn mác báo chí mà cố nhà báo Hữu Thọ đề cập đến, cũng chính là ý kiến phát biểu của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị báo chí toàn quốc năm 2023: "Một bộ phận nhỏ người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp, tự cho mình quyền đi dọa dẫm các cơ quan, doanh nghiệp…".

Thời gian gần đây, trước cái xấu và cái ác vẫn luôn tìm mọi cách len lỏi và gây những tác động tiêu cực khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang, sợ hãi thì lẽ ra những nhà báo tử tế, những tờ báo tử tế cần phải thắp lên những chuyên mục, những bài viết ca ngợi những điều tử tế, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu" tạo sức lan tỏa tới cộng đồng. Nhưng không ít bạn đọc lại nghi ngại, bất bình khi đọc những tác phẩm mang tính "sốc, sex, cướp, giết, hiếp..." tràn lan trên mặt báo. Những thông tin mang tính giật gân câu khách, tạo cảm giác như có một màu xám dường như đang bao phủ cuộc sống... đã và đang khiến bạn đọc ngày càng mất đi niềm tin vào báo chí. 

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2017 - 2022, Bộ đã tiến hành 65 cuộc thanh tra, 48 cuộc kiểm tra; ban hành 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 8 tỷ 618 triệu đồng. Từ năm 2017 đến tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi 32 thẻ nhà báo (10 trường hợp năm 2017, 5 trưởng hợp năm 2018, 2 trường hợp năm 2019, 4 trường hợp năm 2020, 3 trường hợp năm 2021, 5 trường hợp năm 2022 và 3 trường hợp năm 2023) vì các lý do: vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can; bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên…

Nghề báo được ví như người canh gác cho sự tử tế, minh bạch và trách nhiệm trong xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi những người làm báo phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Thường trực Ban Bí thư thì mỗi người làm báo, trước hết hãy học và noi gương Bác Hồ - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và "Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng".

Lại một mùa xuân, xuân Giáp Thìn 2024 đã đến. Mùa xuân đến khiến cả đất trời như bừng dậy, con người cũng ngập tràn trong hạnh phúc yêu thương. Năm Rồng hứa hẹn nhiều điều thăng hoa, đất nước bay lên với những thành tựu rực rỡ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Song dù cho là năm nào, thời kỳ nào, hoàn cảnh nào thì bất cứ ai, làm nghề gì cũng cần phải sống tử tế. Nghề báo càng cần vì chỉ có lòng tử tế thì nhà báo mới viết ra những điều tử tế, mới làm cuộc sống tốt hơn.

Phan Lợi, Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Chỉ số BCI tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua Chỉ số BCI tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024. Theo đó, chỉ số BCI đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, tăng từ 46,3 trong quý IV/2023 lên 61,8 trong quý IV/2024.