Vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng tăng 0,7%
Cập nhật về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/1/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 217.882 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12% so với thời điểm cuối năm 2023; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 163.165 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ không thay đổi so với cuối năm 2023 đạt tương ứng 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ là 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023...
Theo thống kê, có 13 ngân hàng thương mại có quy mô vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, lần lượt gồm: VPBank (79.339 tỷ đồng), BIDV (57.000 tỷ đồng), Vietcombank (55.890 tỷ đồng), VietinBank (53.699 tỷ đồng), MB (52.140 tỷ đồng), Agribank (40.963 tỷ đồng), ACB (38.840 tỷ đồng), SHB (36.193 tỷ đồng), Techcombank (35.225 tỷ đồng), HDBank (29.000 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng), VIB (25.368 tỷ đồng) và SeABank (24.537 tỷ đồng).
Trong số các ngân hàng đã thực hiện thành công trong việc tăng vốn điều lệ năm 2023, xét về con số tuyệt đối thì VPBank là nhà băng thực hiện pha bứt tốc nhanh nhất khi vốn điều lệ tăng thêm 11.905 tỷ đồng (17,65%) lên hơn 79.339 tỷ đồng, tương đương 3,26 tỷ USD.
Ngược lại, tính đến đến 31/1/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 19,545 triệu tỷ đồng, giảm 2,63% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng tài sản đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, giảm 1,49% so với cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản đạt hơn 8,6 triệu tỷ đồng, giảm 3,87% so với cuối năm 2023…
Về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống ở mức 77,87%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ là 81,31%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ là 80,88%...
Tính đến tháng cuối tháng 1/2024, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%. Tỷ lệ an toàn vốn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%...
Được biết, trong kế hoạch kinh doanh 2024, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ, dự kiến được thông qua đại hội cổ đông trong quý 2/2024.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.