Vốn FDI đăng ký mới trong tháng đầu năm 2023 tăng gấp ba lần

Đầu tư và Tiếp thị
06:08 PM 30/01/2023

Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 20/1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI đăng ký mới trong tháng đầu năm 2023 tăng gấp ba lần - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có một điểm tích cực là trong tháng 1/2023 có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, Việt Nam thu hút được 103 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 388 triệu (USD), tăng 119,1% về số dự án và giảm 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, kết quả thu hút các dự án mới trong tháng 1/2023 được đánh giá là tín hiệu tích cực. 

Trong số các dự án FDI được cấp mới, những dự án liên quan đến lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1% còn các ngành khác đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam; trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%; Israel 60 triệu USD, chiếm 5%; đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 47,8 triệu USD, chiếm 4% và Hàn Quốc 38,5 triệu USD, chiếm 3,2%.

Về vốn thực hiện, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 122,7 triệu USD, chiếm 9,1% còn hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 81,7 triệu USD, chiếm 6%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2023 có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 126,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh thêm 140,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 126,7 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng 1/2023, có 3 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Hàn Quốc là nước dẫn đầu với 125,1 triệu USD; chiếm 98,7% tổng vốn đầu tư, Thái Lan 1,5 triệu USD; chiếm 1,2%; Lào 140.400 USD; chiếm 0,1%./.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).