Vốn FDI đạt hơn 22 tỷ USD trong 9 tháng
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Có đúng là các doanh nghiệp FDI đang dần rút khỏi Việt Nam? Không hẳn vậy, 5 chart sau sẽ là câu trả lời!
- Quảng Ninh: Doanh nghiệp FDI đầu tư gần 20.000 tỷ đồng triển khai liên tiếp 2 dự án
- 8 tháng năm 2021, vốn FDI vào bất động sản tại Long An, TPHCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu cả nước bất chấp là điểm nóng Covid
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).
Theo thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD và trên 750 triệu USD.
Do tác động của đại dịch, những tháng gần đây, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, khiến FDI giải ngân 9 tháng ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.
Đáng chú ý, có 2 dự án lớn được cấp phép là nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 8 tháng năm 2021. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 178 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 176,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 159,8 tỷ USD, tăng 34,4% so cùng kỳ và chiếm 65,3% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung, khu vực FDI xuất siêu gần 18,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 17,1 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 21,8 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.