Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỉ USD trong 4 tháng
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 20/4, tổng vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 8,88 tỉ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tăng trở lại so với cùng kỳ. Cụ thể, Việt Nam có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư; tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỉ USD giảm 68,6% so với cùng kỳ.
Có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỉ USD tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Có 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 1,8% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỉ USD tăng 70,4% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, vốn đầu tư mới đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm do các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong 4 tháng qua, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỉ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỉ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với số vốn đăng ký gần 972 triệu USD.
Về đối tác, trong bốn tháng đầu năm có 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỉ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ 2022.
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỉ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư, giảm 30% so với cùng kỳ.
Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới chiếm 16,1%, số lượt điều chỉnh vốn chiếm 24,4% và góp vốn mua cổ phần chiếm 28,2%.
Xét theo địa bàn đầu tư, trong 4 tháng các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư FDI đăng ký hơn 1,1 tỉ USD. Bắc Giang xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỉ USD, tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Nếu xét về số dự án, TP.HCM vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án FDI đăng ký mới và số lượt dự án điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần.
Thương Huyền (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.