Vòng đời kì lạ của mì ăn liền: Ra đời để chống đói nhưng được bán với giá của "sơn hào hải vị" trước khi trở thành cứu cánh cho người nghèo
Năm 2020, có 116,6 tỷ gói mì ăn liền được sử dụng trên khắp thế giới và châu Á, nơi sản phẩm này được phát minh, là những tín đồ trung thành nhất.
Có lẽ không ngoa khi nói rằng mì ăn liền là loại thực phẩm đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và thói quen tiêu dùng của hàng tỷ người trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, mì ăn liền được biết tới như một loại thực phẩm rẻ tiền và phù hợp với tất cả mọi người nhưng không nhiều người biết nó đã từng là loại sản phẩm cao cấp khi mới ra đời.
Những gói mì nhỏ bé thay đổi cách ăn uống của hàng tỷ người
Nếu bạn nhìn vào tủ đựng đồ ăn của hầu hết mọi gia đình trên khắp thế giới, bạn sẽ không khó để bắt gặp những gói mì ăn liền hình chữ nhật nằm gọn một chỗ. Những gói mì giá vài nghìn đồng này là cách rẻ và tiện lợi để lấp đầy những chiếc bụng đói. Việc có ít chất dinh dưỡng nhưng nhiều chất không có lợi cho sức khỏe không khiến loại thực phẩm này giảm độ hấp dẫn với nhiều người.
Chính bởi sự phổ biến của mì ăn liền, cũng có vô số những cách thưởng thức nó. Có những người chỉ đơn giản sử dụng những gì có sẵn trong những gói mì để pha chế. Tuy nhiên, không ít người khác nấu mì với trứng, xúc xích, nước hầm và những nguyên liệu khác. Cũng có những người lại chỉ sử dụng gia vị có trong gói mì….
Châu Á đứng top đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền.
Cách chế biến đơn giản nhưng cũng thỏa sức sáng tạo khiến mì gói thu hút người dùng. Ra đời tại Nhật Bản, mì gói đang phổ biến khắp thế giới, thậm chí ra cả vũ trụ cùng các phi hành gia. Đây là món ăn chính của sinh viên đại học nghèo nhưng cũng là đồ ăn phổ biến của các gia đình thu nhập thấp.
Bắt nguồn từ tây bắc Trung Quốc, mì được cho là du nhập vào Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Một số giả thuyết cho rằng mì tới Nhật Bản thông qua các thương nhân Trung Quốc ở cảng Yokohama. Tuy nhiên, những người khác nói rằng mì tới Nhật Bản từ sớm hơn thế rất nhiều cùng bước chân những người chạy loạn. Chúng được biết tới với cái tên ramen ở Nhật.
Ramen được làm từ sợ mỳ kéo bằng tay với thịt lợn, thịt gà hoặc các loại nước dùng khác. Món ăn này có hành lá và nhiều loại rau. Có nhiều biến thể ramen khác nhau với các nguyên liệu khác được đưa vào. Trong khi đó, mì ăn liền được sấy khô và không có hoặc có rất ít rau củ đi kèm. Ngày nay, mì ăn liền được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với ramen. Dây chuyển sản xuất quy mô công nghiệp cũng giúp sản xuất loại thực phẩm này với giá rẻ hơn rất nhiều.
Từ loại hàng cao cấp tới món đồ bình dân
Mì ăn liền được Momofuku Ando phát minh năm 1958 với phiên bản đầu tiên là mì gà. Ban đầu, người đàn ông sinh ra ở Đài Loan nhưng chuyển tới Nhật Bản sau thế chiến 2 này muốn giải quyết tình trạng đói khát do chiến tranh gây ra ở Nhật Bản. Những vụ mùa thất bát khiến người Nhật lâm vào cảnh đói khổ.
Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh ở Nhật Bản, Mỹ đã chuyển tới quốc gia này các loại bột mì giá rẻ để chống đói. Lúa mì cũng là nguyên liệu chính để làm ramen. Tuy nhiên, Ando nhận thấy khi khử nước và chiên trong dầu cọ, những sợi mỳ này sẽ được bảo quản lâu hơn. Trong khi đó, chỉ cần thả chúng vào nước sôi là có thể sử dụng ngay.
Mì ăn liền đầu tiên ra đời với các sợi mì đã được tẩm ướp gia vị trước. Tuy nhiên, khi nhu cầu cao hơn, người ta cho thêm gói gia vị để cho người dùng tùy chọn. Ra đời với mục đích cứu đói nhưng những gói mì ban đầu lại được bán với giá rất cao so với mì ramen truyền thống của Nhật Bản. Đó là lí do chúng trở thành món đồ ăn cao cấp.
Nói mì ăn liền là sản phẩm cao cấp, chắc hẳn có nhiều người sẽ cho đó là sự hư cấu. Mì ăn liền ra đời với một lượng lớn chất phụ gia, chất bảo quản và phẩm màu. Tuy nhiên, chính sự độc, lạ của nó khiến nó được bán với giá rất cao ở giai đoạn đầu. Mì cốc ra đời, một sản phẩm khác của Ando, tiếp tục đẩy sự tiện dụng lên một tầm cao mới.
Năm 1970, công ty Nissin Foods do Ando điều hành đã đưa mì ăn liền tới Mỹ. Tuy nhiên, việc sản xuất trên quy mô công nghiệp đã khiến giá mì rẻ hơn. Chúng được bán với giá 25 cent ở Mỹ và nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích của những hộ gia đình có thu nhập thấp và sinh viên các trường đại học.
Ngoài ra, mì gói cũng được sử dụng như loại nhu yếu phẩm chính để viện trợ cho những khu vực thiên tai nhờ giá rẻ và sự tiện dụng của chúng. Nissin cũng không phải là công ty duy nhất sản xuất loại sản phẩm này. Có rất nhiều công ty sản xuất mì ăn liền trên toàn thế giới. Một quốc gia có thể tồn tại rất nhiều thương hiệu mì ăn liền. Tùy vào thị hiếu ở mỗi nước, có những loại mì khác nhau được ưa chuộng hơn phần còn lại.
Theo số liệu năm 2020, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền. Tiếp sau đó là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Có tới 10/15 quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới là các nước châu Á, quê hương của loại thực phẩm này.
Những tiếng nói quan ngại về ảnh hưởng của mì gói tới sức khỏe
Theo các nhà khoa học, lượng calo trong mì ăn liền không đáng kể nhưng lượng muối natri lớn có thể làm tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh và biến cố liên quan tới tim mạch. Việc sử dụng lượng lớn gia vị giúp các món ăn giá rẻ nhưng có hương vị ngon hơn. Điều này khiến chúng trở nên có hại hơn với người sử dụng.
Nếu sử dụng mì ăn liền ở mức độ vừa phải, nó sẽ không gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sống dựa vào loại thực phẩm này trong một thời gian dài, những nguy cơ được chỉ ra bao gồm béo phì, tổn thương dạ dày, hại xương, thận, đẩy nhanh quá trình lão hóa hay thậm chí là tích tụ trong cơ thể những chất được dùng để bảo quản mì.
Ngoài ra, mì ăn liền cũng được coi là thực phẩm khó tiêu. Bác sĩ Braden Kuo, Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), đã thực hiện một thí nghiệm cho thấy quá trình tiêu hóa phức tạp của mì ăn liền trong dạ dày người. Cụ thể, sau 2 tiếng ăn vào, sợi mì vẫn nguyên dạng, khiến hệ tiêu hóa khó khăn hơn trong việc chuyển hóa thức ăn thành dinh dưỡng.
Tuy nhiên, chính sự tiện lợi, giá cả phải chăng và chất lượng ổn định khiến mì gói vẫn là bữa ăn lý tưởng cho những người cần bổ sung năng lượng ngay lập tức. Thậm chí, nó còn được sử dụng trên vũ trụ vào năm 2005 khi cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển một loại mì ăn được trong môi trường không trọng lượng.
Linh AnhĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.