VPBank muốn tăng vốn điều lệ 80%, trở thành ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất hệ thống vượt xa Techcombank, MB, ACB

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:34 PM 15/07/2021

Hiện nay các ông lớn vốn Nhà nước BIDV, Vietinbank và Vietcombank cũng đều đang có kế hoạch tăng vốn và sẽ tăng lên cao hơn VPBank, nhưng chưa xác định chính xác thời điểm thực hiện. Do đó, nếu VPBank hoàn tất tăng vốn sớm hơn, VPBank sẽ có một khoảng thời gian trở thành ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và phát hành cổ phiếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

VPBank hiện có 2,53 tỷ cổ phiếu, trong đó 2,45 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và 75 triệu cổ phiếu quỹ.

Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%, trong đó 62,15% để trả cổ tức bằng cổ phiếu và 17,85% phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Như vậy, VPBank sẽ phát hành thêm tối đa 1,976 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 19.758 tỷ đồng.

Vốn điều lệ VPBank sau phát hành sẽ tăng lên 45.058 tỷ đồng và nếu thực hiện sớm, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, vượt qua các ngân hàng vốn Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV.

Tuy nhiên, cả 3 ông lớn này cũng đều đang có kế hoạch tăng vốn. Được biết, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.300 tỷ đồng, Vietinbank tăng vốn thêm hơn 10.800 tỷ đồng và Vietcombank tăng vốn hơn 13.300 tỷ đồng. Như vậy, sau khi các ngân hàng cùng hoàn tất tăng vốn, Vietcombank sẽ có vốn điều lệ 50.400 tỷ đồng trong khi BIDV và Vietinbank sẽ cùng có vốn điều lệ khoảng 48.000 tỷ đồng, đẩy VPBank xuống vị trí thứ 4. Ngoài ra, Vietinbank mới đây đã chốt danh sách cổ đông để tăng vốn. Như vậy, nhiều khả năng VPBank sẽ không kịp hoàn tất tăng vốn trước Vietinbank.

Thời điểm hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất là BIDV, đạt hơn 40.200 tỷ đồng. Đứng sau là Vietinbank và Vietcombank khoảng 37.000 tỷ đồng, Techcombank 35.000 tỷ đồng và Agribank hơn 30.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông 2021, VPBank từng thống nhất không chia cổ tức năm nay, giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Lãnh đạo VPBank cho biết, sở dĩ ngân hàng chưa thể trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, chia cổ tức trong năm nay bởi nếu tăng vốn, ngân hàng phải có sẵn trong tay "tiền tươi thóc thật" thì mới có thể trình Ngân hàng Nhà nước thông qua. Tuy nhiên, thời điểm đại hội cổ đông diễn ra, các phương án bán 49% vốn FE Credit cho SMBC và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đều chưa hoàn tất, "tiền tươi" chưa có nên chưa thể trình phương án tăng vốn điều lệ.

Được biết, thương vụ bán 49% FE Credit đem về cho VPBank khoảng 1,4 tỷ USD.

Hà My
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho các kỳ thi, tuyển sinh năm 2024 Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho các kỳ thi, tuyển sinh năm 2024

Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng 02 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.