VPBank, OneFin và MasterCard triển khai thanh toán một chạm cho phương tiện GTCC tại TP.HCM
Hệ thống thanh toán một chạm cho phương tiện giao thông công cộng (GTCC) tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chính thức ra mắt ngày 17/5/2024 vừa qua và được UBND thành phố triển khai thí điểm trên hệ thống 71 xe buýt và xe điện (các tuyến 01, 43 và 65). Hệ thống này do OneFin, MasterCard và VPBank hợp tác xây dựng và triển khai, cho phép khách hàng thanh toán bằng đa dạng các loại thẻ trên thị trường khi di chuyển trên xe buýt và các phương tiện GTCC khác tại TP.HCM.
Hình thức thanh toán này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian so với hình thức thanh toán trước đây (không cần chuẩn bị tiền lẻ, không phải chờ đợi đổi tiền, không phải đến tận địa điểm bán vé để mua vé tháng) mà quan trọng hơn, nó còn hỗ trợ các nhà khai thác GTCC tối ưu hóa công tác quản lý, dễ dàng khai thác và vận hành các tuyến dịch vụ. Dự kiến đến năm 2025, dự án sẽ mở rộng quy mô phục vụ lên 500 xe tại TP. HCM và 3.000 xe tại Hà Nội.
Với công nghệ thanh toán mới của OneFin, kết hợp giải pháp thanh toán Open-Loop của MasterCard và cổng thanh toán trực tuyến của VPBank, "chạm bằng thẻ EMV Contactless" được kỳ vọng sẽ là bước tiến quan trọng trong việc áp dụng các giải pháp thanh toán hiện đại, an toàn và tiện lợi, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng, từng bước tiến tới thành phố thông minh trong một chạm
Theo đại diện VPBank, tháng 10/2023, ngân hàng này nhận được đề nghị của Công ty cổ phần OneFin Việt Nam về việc hợp tác triển khai giải pháp thanh toán tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM với mục tiêu mang đến cho người dân thành phố một dịch vụ thanh toán an toàn và tiện lợi nhất trên xe buýt và các phương tiện công cộng khác. Gần như ngay lập tức, VPBank đã huy động một tổ công tác bắt tay vào thực hiện dự án, bởi theo như ban lãnh đạo ngân hàng nhận định, đây là một dự án nhằm phục vụ cộng đồng, giúp cho người dân được tận hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại và từng bước giúp thành phố giải quyết được bài toán giao thông ùn tắc đã tồn tại trên địa bàn nhiều năm nay.
Đến tháng 4/2024, sau nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa, VPBank cùng với đối tác OneFin và MasterCard đã định hình được phiên bản tối ưu nhất và chính thức đưa vào vận hành hệ thống thanh toán EMV Open-Loop cho phép khách hàng thanh toán bằng đa dang các loại thẻ trên thị trường khi di chuyển trên xe buýt và các phương tiện GTCC khác tại TP.HCM.
Ngày 17/5 vừa qua, hệ thống thanh toán trên đã chính thức được UBND thành phố triển khai thí điểm trên hệ thống 71 xe buýt và xe điện (các tuyến 01, 43 và 65).
“Để hôm nay có thể golive, quảng bá hệ thống thanh toán EMV Open-Loop cho xe bus tại TP.HCM, chúng tôi cũng vô cùng cảm ơn VPBank là đối tác chiến lược đã hỗ trợ để hệ thống thanh toán của OneFin kết nối được tất cả các thẻ, các ví và các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam và tương lai vươn ra toàn cầu. VPBank là ngân hàng top đầu thị trường về quy mô vốn, hạ tầng công nghệ và giải pháp tài chính, cùng với việc không ngừng phát triển thế mạnh tiếp sức tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp, VPBank còn tích cực đầu tư công nghệ, phát triển hàng loạt giải pháp thanh toán đi đầu. Ngân hàng cũng luôn luôn ưu tiên tham gia các dự án phục vụ tiện ích cộng đồng và đã hỗ trợ OneFin triển khai giải pháp thanh toán EMV Open-Loop tại TP. HCM ”, bà Phan Thị Ngân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc OneFin phát biểu tại Lễ công bố và ra mắt Công nghệ thanh toán Chạm.
Công nghệ thanh toán GTCC thông minh đã được triển khai rộng rãi nhiều năm trước ở các quốc gia phát triển trên thế giới, như Vương quốc Anh, Singapore, Úc và Hoa Kỳ. Việc áp dụng công nghệ thanh toán thông minh nhằm khuyến khích người dùng, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động tăng tần suất sử dụng phương tiện công cộng, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, giảm tỷ lệ tai nạn, góp phần đồng bộ kết nối hạ tầng GTCC. Rộng hơn, việc triển khai này sẽ làm nền tảng để thành phố thiết lập hệ thống bán vé thẻ thông minh toàn diện cho toàn bộ khu vực đô thị.
Với vai trò là đơn vị tài chính tiên phong tham gia cung cấp và triển khai giải pháp thanh toán, VPBank cùng các đối tác hướng tới mục tiêu cách mạng hóa trải nghiệm đi lại cho người dân.
Khách hàng trải nghiệm một chạm để thanh toán vé xe bus
“Tham gia vào những dự án cộng đồng là một trong những cách để VPBank hiện thực hóa mong muốn mang lại thịnh vượng cho người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Chúng tôi có ưu thế hàng đầu trên trị trường về việc triển khai các dự án chuyển đổi số bởi đã đầu tư cho lĩnh vực này trong nhiều năm và dành nguồn lực xứng đáng. Mục tiêu của VPBank là mang tới cho những người sử dụng dịch vụ số sự hài lòng, cảm giác an toàn và trải nghiệm mượt mà. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ góp phần tích cực cải thiện tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố, từ đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút thêm nguồn lực phát triển thành phố ”, ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối SME, đại diện VPBank chia sẻ.
Dự án thí điểm thanh toán tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là dự án được Ủy ban nhân dân TP.HCM đặt làm dự án trọng điểm với mong muốn tăng tỷ lệ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý vận tải trên địa bàn thành phố, tiến tới hiện thực hóa mục tiêu TP.HCM trong một chạm.
UBND thành phố đã giao cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM triển khai dự án bằng phương pháp xã hội hóa (không sử dụng Ngân sách Thành phố) và yêu cầu đảm bảo lộ trình áp dụng thanh toán tự động cho 100% số tuyến buýt vào năm 2025.
Nhận được sự chỉ đạo, Sở Giao thông vận tải đã nhanh chóng triển khai dự án cùng với các đơn vị: Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Công ty cổ phần OneFin Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.
3 bước đi xe bus/điện mau lẹ trong “Tíc Tắc” với giải pháp cổng thanh toán của VPBank kết hợp công nghệ thanh toán MasterCard EMV Open-Loop:
- Chạm thẻ Mastercard Contactless (có biểu tượng vạch sóng) vào vị trí có biểu tượng “NFC” trên thiết bị POS đặt trên xe Buýt/xe điện để mua vé lượt.
- Thiết bị POS xác nhận giao dịch bằng tiếng “Bip” và hiển thị trạng thái thanh toán thành công, đồng thời in ra vé.
- Hành khách nhận và giữ vé cho đến khi kết thúc hành trình.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.