VPBank và IFC hợp tác cung ứng vốn cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam
VPBank và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây đã hợp tác đồng tài trợ chuỗi cung ứng cho các công ty xuất khẩu cà phê, trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu.
Với tổng giá trị tài trợ lên tới 150 triệu USD, trong đó VPBank và IFC cung ứng vốn theo tỷ lệ bằng nhau, đây là chương trình đồng tài trợ chuỗi cung ứng bao thanh toán đầu tiên IFC hợp tác với một ngân hàng thương mại trong nước để triển khai tại Việt Nam. Chương trình tài trợ chuỗi cung ứng dự kiến sẽ giúp cung cấp vốn bước đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, và trong các lĩnh vực khác ở giai đoạn sau, mở ra cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Với thế mạnh riêng có của mỗi tổ chức, chương trình đồng tài trợ chuỗi cung ứng sẽ mang tới cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều lợi ích. Trong đó, với kinh nghiệm phục vụ mảng khách hàng chiến lược SME lâu năm, VPBank sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp cà phê các gói vay ưu đãi về lãi suất và điều kiện tín dụng, cùng hỗ trợ kết nối kinh doanh thông qua mạng lưới khách hàng rộng khắp.
Là một tổ chức toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia, IFC, trong khi đó, sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp nôi địa với các tập đoàn nhập khẩu cà phê và các loại nông sản hàng đầu thế giới có quy mô và tiềm lực tài chính hùng hậu, cùng quy trình quản lý và quy hoạch chuỗi cung ứng hiệu quả và bài bản. IFC sẽ đồng thời hỗ trợ tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp về khung tài chính bền vững, hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng bền vững và xu hướng nông nghiệp xanh, và các chứng chỉ nông nghiệp xanh theo các tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn tại châu Âu và châu Mỹ, cùng các khách hàng nhập khẩu chủ chốt.
Đáng chú ý, các khoản vay trong chương trình tài trợ bao thanh toán sẽ được triển khai thông qua nền tảng ngân hàng số của VPBank, trong khi các hoạt động hỗ trợ kết nối và trao đổi giữa các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu trong nước và quốc tế sẽ được thực hiện trên nền tảng tài trợ chuỗi cung ứng trực tuyến của ngân hàng, nhằm đảm bảo các trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt cho các khách hàng doanh nghiệp. Chính bởi các thành tựu trong hoạt động phát triển ngân hàng số và các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính vượt trội trên nền tảng số, VPBank mới đây đã được IFC trao tặng giải thưởng "Ngân hàng phát hành xuất sắc, Ngân hàng số hóa Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương" trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của tổ chức này.
Với cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 4 tỷ USD trong 2 năm trở lại đây, hoạt động tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp cà phê của VPBank và IFC kỳ vọng đáp ứng không chỉ nhu cầu về vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, mà còn góp phần tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp nội địa khi đứng trước yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, về yếu tố môi trường - xã hội và phát triển bền vững đặt ra bởi các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật…
Theo báo cáo "Tài trợ thương mại tại khu vực Mê Kông" công bố bởi IFC và WTO hồi đầu năm 2024, tăng cường tài trợ thương mại với chi phí vay hợp lý có thể giúp gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam thêm tương ứng 6% và 9%, tương đương với mức tăng $55 tỷ USD trong tổng giá trị giao dịch hàng hóa hàng năm. Việc mở rộng các hình thức hợp tác và kênh dẫn vốn từ các tổ chức quốc tế như IFC tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực vốn và nghiệp vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngọc MỹTheo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.