Vụ thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội): Kỳ 2: “Máu tham” hễ thấy đất vàng thì mê!

Đời sống
08:43 AM 03/06/2021

Như đã nêu trong kỳ trước, khởi đăng tại Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị số 24, ra ngày 27/5/2021, nguồn cơn của sự xuất hiện bản Thông báo số 76/TB-UBND ngày 15/3/2021 của UBND xã Ninh Hiệp về việc thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở đây là do UBND xã Ninh Hiệp coi đó chỉ là đất, nhà của xã xây cho các thầy, cô giáo “mượn”.

Cũng chính vì thế mà UBND xã Ninh Hiệp, thời ông Nguyễn Văn Tuấn, học trò cũ của các thầy, cô, yêu cầu bàn giao không đền bù hay hỗ trợ gì, toàn bộ khu tập thể rộng hàng nghìn mét vuông này ngay trong tháng 3/2021, bất chấp mọi quy định của pháp luật và tình cảm con người. Vậy nhưng, cái "lý" này của họ liệu có "chân"?

Vụ thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội):  Kỳ 2: “Máu tham” hễ thấy đất vàng thì mê! - Ảnh 1.

Một trong hai ngôi trường các thầy, cô giáo ở đây đã và đang gắn bó mà từ đây, họ được phân nhà để ở. Ảnh: Trần Ngọc Kha

Cái "lý" không có cái "chân"!

Thực ra, không phải đến nay, các thầy cô giáo ở đây mới biết cái "lý" không vững nói trên của UBND xã Ninh Hiệp mà từ năm 2015, họ đã thấy: Tại Biên bản làm việc ngày 24/4/2015 với Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Ninh Hiệp báo cáo rằng: Xã Ninh Hiệp cho các thầy cô giáo "mượn" nhà. Để rồi, căn cứ vào đó, tại Văn bản số 1463/UBND-TN&MT ngày 16/10/2015, UBND huyện Gia Lâm từ chối nguyện vọng của 20 các thầy, cô giáo tại 2 Trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp đề nghị được thanh lý mua nhà hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong Khu tập thể này. Khẳng định là thế nhưng UBND xã Ninh Hiệp không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cũng như văn bản cho các thầy, cô "mượn" nhà đất nào.

Cũng tại văn bản từ chối đề nghị của các thầy, cô nói trên, UBND huyện Gia Lâm có viện dẫn ra một số ý kiến của một số người được cho là "đại diện nhà trường" xác nhận có việc "cho mượn" đất này. Tuy nhiên, những người đó, đều là hậu thế, không hề chứng kiến việc phân nhà hồi ấy. Trong khi đó, những người cùng thời với các hộ dân được phân nhà như bà Nguyễn Thị Bích, Phó Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp (giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1990) và tại Biên bản làm việc ngày 14/7/2015 với đại diện UBND xã Ninh Hiệp gồm Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Hợi, cán bộ tài nguyên và môi trường xã, các hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường giai đoạn từ 1970-1990, bà Bích khẳng định: "Các giáo viên được vào ở là do nhà trường phân nhà" thì nhân chứng này lại bị lãnh đạo xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm bỏ qua.

Như vậy, việc UBND xã một mực khẳng định: Đất, nhà đó là do xã cho các thầy cô "mượn" liệu có căn cứ không? Rõ là: Cái "lý" không có "chân"!

Vụ thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội):  Kỳ 2: “Máu tham” hễ thấy đất vàng thì mê! - Ảnh 2.

Hiện trạng một trong những gian nhà trong khu tập thể - nhà cô giáo Nguyễn Thị Thơm, tồn tại hết sức tạm bợ gần 40 năm qua. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Cái "chân" không có cái "lý"!

Đất, nhà trong Khu tập thể giáo viên Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp được phân cho 20 hộ giáo viên từ những năm trước năm 1993. Điều này không chỉ được khẳng định bởi những nhân chứng là các thầy cô mà còn từ chính UBND xã Ninh Hiệp tại Biên bản làm việc với đoàn xác minh của UBND huyện Gia Lâm ngày 24/4/2015. Chiểu theo Luật Đất đai năm 1993, tính lịch sử này phải được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tôn trọng và thừa nhận.

Tại Biên bản làm việc ngày 24/5/2015 nói trên và Văn bản số 474/CV-UBND ngày 8/7/2015, UBND xã Ninh Hiệp đều khẳng định: Chính quyền xã còn lưu Bản đồ đo vẽ năm 1984 và Bản đồ đo vẽ năm 1993-1994 (đều có sổ lập kèm theo). Theo đó, tại Bản đồ 1984, thửa đất Khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên của trường, thể hiện tại thửa đất số 169, diện tích 15.103 m2, tờ bản đồ số 4. Sổ lập kèm ghi "Trường PT cơ sở", loại đất T55. Tại Bản đồ 1993-1994, thửa đất Khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên trường, thể hiện tại thửa đất số 53, diện tích 13.872 m2, Tờ bản đồ số 21. Bằng chứng rành rành như vậy nhưng vô cớ, tại Văn bản trả lời đơn thư các hộ giáo viên số 1463/UBND-TN&MT ngày 16/10/2015 nói trên, UBND huyện Gia Lâm lại khẳng định: Các bản đồ đo vẽ nói trên gộp số đất Khu tập thể giáo viên vào khuôn viên nhà trường là "chưa chính xác"(?!). Phải chăng, UBND huyện Gia Lâm muốn phủ nhận tính lịch sử nguồn gốc của lô đất để cố tình gạt diện tích Khu tập thể giáo viên này ra khỏi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường Tiểu học và Trường THCS Ninh Hiệp vào năm 2004, để nay họ "nại" thêm ra một cái gọi là "bằng chứng" phủ nhận sự phân nhà cho các giáo viên thời đó?

Cho đến năm 2015, các hộ giáo viên đã 4 lần làm đơn (vào các năm 2005, 2009, 2011 và 2015) gửi UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm xin được thanh lý nhà theo chế độ.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 25 Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định: "Trường hợp bán nhà có nguồn gốc không phải là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở trước ngày 27/11/1992 thì nhà ở này phải bảo đảm các điều kiện: Khu đất đã bố trí làm nhà ở có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trước cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian cảnh quan xung quanh; cơ quan đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà này có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng diện tích nhà ở này phải chuyển giao cho UBND cấp tỉnh nơi có nhà đó quản lý để thực hiện bán theo quy định tại Nghị định này".

Chiểu theo quy định này, các hộ gia đình trong Khu tập thể giáo viên này hoàn toàn có đủ điều kiện để được thanh lý mua nhà cũng như được cấp giấy chứng nhận QSD đất vì đây là nhà họ được phân (chứ không phải là cho mượn, như đã phân tích ở trên), ở từ trước năm 1992, tách biệt khỏi khuôn viên của trường, có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trường, phù hợp với quy hoạch "Đất ở hiện có" theo quy hoạch phân khu đô thị GN tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 5/1/2015 của UBND thành phố Hà Nội.

Tại Văn bản số 1463/UBND-TN&MT ngày 16/10/2015, UBND huyện Gia Lâm tuy có viện dẫn điều khoản nói trên nhưng lại từ chối thanh lý nhà cho các thầy, cô vì "chưa đủ cơ sở xem xét"(?!). Rõ ràng đó là cái "chân" không có "lý"!

Vụ thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội):  Kỳ 2: “Máu tham” hễ thấy đất vàng thì mê! - Ảnh 3.

Khu đất, nhà của tập thể giáo viên Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp (nay được tách ra thành hai trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp) từng được gộp chung vào khuôn viên nhà trường trong những tấm bản đồ đo vẽ qua các năm 1984 và 1993-1994 (ảnh chụp một phần khu đất nhìn từ trên xuống). Ảnh: Trần Ngọc Kha.

"Đất vàng" trong mắt "quan tham"

Nếu ai từng đặt chân đến Khu tập thể giáo viên Ninh Hiệp sẽ tận mắt thấy một thực tế: Nó nằm ngay sát khu vực chợ Ninh Hiệp - khu chợ từ lâu đã và đang nổi tiếng là một trong những chợ đầu mối kinh doanh vải vóc sầm uất bậc nhất, nhì phía Bắc nước ta. Một ki-ốt chừng 20m2 ở đây bấy lâu nay có giá thị trường khoảng 70 tỷ đồng, đất quanh khu vực này hiện đang có giá giao dịch lên đến hàng trăm triệu đồng/m2. Có thể nói, đây thuộc loại "đất vàng" của xã Ninh Hiệp.

"Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"

Tôi nghe ở đây như đang vẳng lại tiếng than xưa trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.

Phải chăng lãnh đạo xã, huyện đang cố làm cho các thầy cô sớm phải rời khỏi ngôi nhà mình từng được phân, sinh sống hàng mấy chục năm qua với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn, chẳng qua vì khu đất tập thể giáo viên Ninh Hiệp giờ thành đất vàng, đang bị bao con mắt dòm ngó hòng xâu xé...

Điều này sẽ được chúng tôi đề cập trong kỳ tới.

(Kỳ 3: Dự án "ma" của những "con cú vọ"!)

Phóng sự điều tra của Trần Ngọc Kha
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.