Vụ thu hồi đất, nhà tập thể 20 hộ giáo viên ở Ninh Hiệp: Kỳ 1: Khi học trò thành đạt “đuổi” các thầy, cô giáo từng dạy chính mình
Chuyện bắt đầu từ sáng ngày 17/3/2021 khi loa truyền thanh phát đi thông báo yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại Khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) (vị trí C30, thôn 5) phải di dời, bàn giao mặt bằng cho xã quản lý. Hạn chót đến ngày 25/3/2021, nếu ai không chấp hành sẽ bị UBND xã “lập hồ sơ xử lý vi phạm”. Nghe tin này 20 hộ gia đình, những thầy, cô giáo đang sinh sống từ những năm 80 của thế kỷ trước như “rụng rời chân tay”.
Tai họa khôn lường…
Cho đến nay, khi kể lại với phóng viên chuyện này, bà giáo về hưu Nguyễn Thị Lạng, nay đã 64 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà nói: "Tất cả 20 hộ giáo viên chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước bản thông báo này. Hỏi Hiệu trưởng cũ và mới hai trường cùng tất cả mọi người, kể cả ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư kiêm Trưởng thôn 5 không một ai được biết hay nhận được bản thông báo này trước đó. Loay hoay mãi, chúng tôi phải tự mình đến hỏi Văn phòng UBND xã mãi mới được một cán bộ tiếp dân là anh Nguyễn Ngọc Đại cung cấp thông tin. Đó là Thông báo số 76/TB-UBND ngày 15/3/2021 của UBND xã Ninh Hiệp do Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn ký".
Tiếp chuyện chúng tôi, bà giáo Nguyễn Thị Thơm, nay đã trạc ngoại thất ngũ tuần cũng bàng hoàng không kém. Bà chia sẻ: "Một trong những điều mà tôi bất ngờ nhất là người ký thông báo nói trên lại chính là cậu học trò Nguyễn Văn Tuấn mà tôi từng dạy hồi cấp 1. Không chỉ có vậy, bên cạnh Tuấn, trong Ban lãnh đạo chính quyền xã Ninh Hiệp nay còn có Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Vĩnh cũng từng là học trò của tôi. Nay các em ấy công thành danh toại đang trả ơn, trả nghĩa chúng tôi thế này đây!". Nói được mấy câu như vậy, cô giáo Thơm đã nghẹn lời, quay sang lặng lẽ chăm sóc người chồng là ông Lê Phúc Tuất, nạn nhân chất độc da cam trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp, lợp fibro xi măng được che các lỗ thủng bằng cót ép, ba bề bốn bên là những bức tường gạch tróc, lở vữa, được vá đáp bằng những tấm xốp đủ các loại kích cỡ đã ngả màu hoen ố. Bà nói thêm với phóng viên: Nếu buộc phải di dời khỏi đây, đôi vợ chồng già ốm yếu chúng tôi cầm chắc số phận "màn trời chiếu đất"
Bà giáo Nguyễn Thị Lạng kể tiếp, với bản thông báo 76/TB-UBND trong tay, ngày 23/3/2021, các công dân nhà giáo kéo nhau đến "chất vấn" Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuấn: "Các ông lấy nhà, lấy đất của chúng tôi để làm gì?". Chủ tịch Tuấn trả lời: "Lấy đất để làm gì à? Chúng em không phải báo cáo việc này đến các thầy cô. Việc này các thầy cô không được biết". "Vậy Thông báo 76 này các ông căn cứ vào đâu?". Nghe vậy, ông Tuấn Chủ tịch xã trả lời "lạnh tanh": "Chúng em làm theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm tại Văn bản số 3521/UBND-TN&MT ngày 17/11/2020" và Văn bản số 254/UBND-TN&MT ngày 02/01/2021. Khi được các thầy, cô đề nghị cung cấp các văn bản đó, Chủ tịch Tuấn nhất định không đáp ứng, mà rằng: "Đây là văn bản ngành dọc, lưu hành nội bộ, các thầy, cô không có quyền được xem" (!?).
Cũng một giọng trả lời theo cách rất… vô căn cứ như vậy, khi xử lý đơn thư của các hộ dân thắc mắc về bản Thông báo số 76/TB-UBND nói trên, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp, học trò cũ Nguyễn Văn Tuấn của các thầy, cô giáo ký và ban hành Thông báo số 119/TB-UBND ngày 28/4/2021 khẳng định: Không thụ lý giải quyết đơn thư của các ông bà vì lý do: Bản thông báo căn cứ vào các văn bản "thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục nhà nước do Chính phủ quy định" (!?). Chỉ đến khi họp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Ninh Hiệp giải quyết đơn của 7 đảng viên trong khu tập thể này vào ngày 23/4/2021, do ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Ninh Hiệp chủ trì, các đảng viên nhà giáo này mới "đòi" được hai văn bản nói trên của UBND huyện Gia Lâm từ tay ông Hải.
Đến đây, chắc bạn đọc không khỏi lạ lùng thay, Văn bản 3521/UBND-TN&MT của UBND huyện được ban hành từ ngày 17/11/2020, tức từ hơn 6 tháng nay (kể từ khi văn bản được ký), 20 hộ dân là những người bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi - quyền được sống và quyền chỗ ở theo Hiến pháp và pháp luật - lại không hề được hay biết (?). Phải chăng Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn có dấu hiệu tự cho mình cái quyền "tối thượng": Tước đoạt của 20 hộ giáo viên quyền được biết, được bàn, được kiểm tra những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam?
Vậy, Văn bản số 3521/UBND-TN&MT ngày 17/11/2020 và văn bản số 254/UBND-TN&MT ngày 02/02/2021 của UBND huyện Gia Lâm nói gì? Tại đây, UBND huyện Gia Lâm khẳng định: Khu đất tập thể giáo viên các Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Ninh Hiệp "có nguồn gốc là đất công, do UBND xã Ninh Hiệp quản lý, được UBND xã xây dựng từ năm 1993 để tạo điều kiện cho một số giáo viên mượn làm nơi ăn ở khi giảng dạy tại trường". Cũng tại đây, UBND huyện Gia Lâm cho biết: Năm 2015, nhận được đơn của 20 giáo viên có nội dung đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tập thể này, huyện đã trả lời họ là "chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết". UBND huyện Gia Lâm đã "lệnh" cho UBND xã Ninh Hiệp phải có văn bản gửi đến các hộ dân đang sử dụng đất tại đây yêu cầu di dời, bàn giao mặt bằng, hoàn thành xong trước ngày 30/11/2020. Quá hạn, "lệnh" này được UBND huyện Gia Lâm nhắc lại tại văn bản thứ hai: Công văn số 254/UBND-TM&MT với hạn chót phải thực hiện vào ngày 15/3/2021. Tại tất cả những thông báo nói trên, UBND huyện Gia Lâm đều căn cứ vào Văn bản số 267/UBND-ĐCXD ngày 21/9/2020 của UBND xã Ninh Hiệp về việc báo cáo sử dụng đất và đề xuất thu hồi đất để thực hiện dự án vào mục đích công cộng tại Khu tập thể giáo viên các Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Ninh Hiệp.
"Vậy mà ông Tuấn Chủ tịch cứ như là không biết gì. Huyện không căn cứ vào báo cáo của xã thì sao họ biết bên dưới đang xảy ra cái gì mà ông Tuấn cứ quanh co chối bỏ trách nhiệm?", các thầy cô giáo chua chát nói với phóng viên.
Nguồn cơn đau xót
Thì ra, căn cứ vào báo cáo của xã lên huyện cứ tưởng nhà, đất mà các thầy cô giáo đang ở chỉ là những thứ được "mượn", được "nhờ". Các thầy cô được người dân Ninh Hiệp cũng như người dân cả nước bấy lâu nay coi là nghề đáng kính nhất trong xã hội, giờ chỉ đáng là phận "ăn nhờ, ở đợ" trong mắt các vị lãnh đạo xã này như vậy thôi sao?
Tại nhà cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên nghỉ hưu, trước cũng từng dạy Chủ tịch Tuấn, ngoài bà giáo Lạng, bà giáo Thơm còn có những bậc hậu sinh của những chủ nhân quá cố như anh Nguyễn Giang Sơn, chồng cô giáo chủ hộ Nguyễn Thị Bích Hằng (đã mất), con gái Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp (cũ) - thầy giáo Nguyễn Bá Hà - người đã từng đứng ra phân đất, nhà cho các hộ giáo viên giai đoạn 1982-1990 và nhiều thầy cô khác. Họ cùng nhau "tái hiện" lại trước mắt chúng tôi toàn bộ khung cảnh khu nhà từ lúc mới được xây dựng, hình thành rồi phân phối cho các thầy cô giáo đến nay ra sao, để rồi từ đó, hé lộ một sự thật hoàn toàn khác so với những gì mà xã Ninh Hiệp đã từng báo cáo lên trên.
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Ninh Hiệp là một xã vùng sâu, vùng xa, đường vào xã cách xa quốc lộ, lại rất khó đi lại. Để thu hút giáo viên về với địa phương, UBND xã và nhà trường đã xây dựng 2 dãy nhà tập thể để phân nhà cho các thầy cô, tạo điều kiện cho giáo viên có chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với trường với lớp, với con em của bà con nhân dân xã. Đầu những năm 1990, trường tiếp tục được xã cho xây thêm một dãy nhà nữa, tổng cộng được 20 căn cả cũ và mới. Mỗi gian nhà có diện tích 17m2 (chưa kể hành lang). Không có căn hộ nào ở đây được xây vào năm 1993 như lãnh đạo xã khẳng định.
Việc phân nhà được Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường tiến hành bình xét trên cơ sở đơn đề nghị của các thầy, cô và phải thuộc diện có đủ các các tiêu chuẩn như: Thuộc hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, gia đình đông con, chưa có nhà ở hoặc đặc biệt phải ở cách trường trên 10 km… Có 7 hộ gia đình thuộc diện chính sách (2 con liệt sĩ, 2 con thương binh, 2 vợ nạn nhân chất độc da cam và 1 vợ bộ đội) đã và đang ở đây. Các hộ dân đang sinh sống ổn định từ trước đến nay không có tranh chấp gì. Vậy mà nay tất cả những sự thực này đang bị chính quyền hiện hành mà đứng đầu là những người học trò năm xưa "vỗ" trắng một cách vô căn cứ.
Trải qua thời gian hơn 40 năm sử dụng, những ngôi nhà cấp 4 này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Các hộ dân làm đơn nhiều lần kể từ năm 2005 đến nay đề nghị được sửa chữa, hợp thức hóa nhưng không được chính quyền ở đây giải quyết theo đường lối chủ trương của Nhà nước (Nghị định 61 của Chính phủ). Ngoài 20 gian nhà cấp 4 nói trên, khu tập thể còn có một khu vực công trình phụ bao gồm nhà tắm, bếp ăn tập thể, khu giếng công cộng và 2 hố xí 2 ngăn. Qua thời gian, việc kinh doanh ở Ninh Hiệp phát triển, Ủy ban xã đã thu hồi toàn bộ khu công trình phụ của khu tập thể để cắt đất bán cho các hộ dân khác làm ki-ốt chợ, rồi xây lại 1 nhà vệ sinh tự hoại, dẫn đến cuộc sống của các hộ gia đình giáo viên đã khó khăn lại không được đảm bảo nhu cầu tối thiểu.
Tận dụng một số nguyên vật liệu từ việc phá dỡ trụ sở ủy ban cũ xây lại trụ sở mới, UBND xã hỗ trợ cho phép các gia đình tự sửa chữa, cơi nới xây dựng thêm một số công trình như bếp, sân, đường đi, cống rãnh, nhà vệ sinh… Thế nhưng, những công trình cơi nới này hiện nay không được chính quyền đương nhiệm xã Ninh Hiệp công nhận. Lãnh đạo UBND xã Ninh Hiệp cho rằng các hộ gia đình ở đây tự ý xây dựng trái phép và các hộ giáo viên đang bị chính quyền xã coi như những người vi phạm pháp luật.
Cho xong lại đòi nhà, đất đối với những người thầy, cô đã và đang dạy dỗ các thế hệ công dân xã mình, trong đó có những người nay thành đạt đương chức Chủ tịch, UBND xã Ninh Hiệp đang không tìm hiểu sự thật về nguồn gốc những lô đất này để thu hồi vào dự án. Việc có đúng như các cấp chính quyền xã Ninh Hiệp báo cáo lên huyện hay không? Thực chất của việc thu hồi đất này là gì?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở những số tới của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.
(Kỳ sau: "Máu tham" hễ thấy đất vàng thì mê)
Phóng sự điều tra của Trần Ngọc KhaCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.