Vừa giàu vừa may như Masan – MEATDeli: Vừa ra đời đã gặp thời, nơi đặt nhà máy thịt heo lại không phải trọng điểm bùng dịch

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:57 AM 30/07/2021

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất – phân phối thịt heo gặp nhiều khó khăn trong đợt cao trào đại dịch này, bởi có trụ sở tại TP. HCM, thì 2 nhà máy của Masan - MEATDeli vẫn vô sự, vì cắm cọc tại Long An và Hà Nam. Thế nên, dù cũng gặp một vài khó khăn nhất định, song MEATDeli vẫn tự tin bảo đảm nguồn cung cho TP.HCM và sắp tăng gấp đôi tại Hà Nội.

"Thiếu hụt nhân sự là vấn đề lớn hiện nay khi áp dụng chính sách ‘3 tại chỗ’. Đồng thời, chính sách vận chuyển hàng thiết yếu có nhiều khác biệt ở các khu vực, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Một số tỉnh thành yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên giấy xét nghiệm PCR chỉ có hiệu lực rất ngắn (trong 3 ngày), dẫn đến tài xế phải xét nghiệm liên tục khiến chi phí phát sinh và việc giao hàng mất nhiều thời gian hơn.

Các tổ hợp chế biến thịt của MEATDeli tại Hà Nam và Long An tuân thủ nghiêm túc chỉ thị ‘3 tại chỗ’ ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Đồng thời, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng dịch tuân thủ chặt chẽ quy định 5K.

Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tập trung cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thịt sạch với giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Tại TP.HCM, MEATDeli cung ứng 100.000 – 150.000 hộp thịt mát/ngày, tương đương từ 35 – 50 tấn thịt mát/ngày. Tại Hà Nội, sản lượng cung ứng được chuẩn bị ở mức tăng gấp đôi so với trước đây", đại diện MEATDeli vừa chia sẻ với chúng tôi.

Cách đây 1 tuần, MEATDeli từng thông báo về việc mình sẽ kéo dài thời gian giao hàng từ 3-5 ngày tại Hà Nội và 6-8 ngày tại TP.HCM. Hơn nữa, việc thiếu hụt nhân sự đang gây trở ngại lớn cho thương hiệu này trong việc tăng công suất. Có vẻ, cả hai nhà máy của họ mới chỉ hoạt động 10% công suất, chưa thể lên 50% như kế hoạch trước đó – ví dụ ở nhà máy tại Hà Nam.

Về nguồn cung nguyên liệu, Masan sở hữu trang trại nuôi heo công nghệ cao tại nghệ An với quy mô 250.000 heo thịt/năm. Bên cạnh nguồn lợn tự cung cấp này, họ còn có các hợp đồng dài hạn đến cuối năm với các nhà cung cấp khác, đảm bảo cung cấp nguồn heo sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Đồng thời, họ cho biết sẽ linh hoạt điều chuyển nguồn cung từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Có nhận định cho rằng, Masan kiểu vừa giàu vừa may, sự phát triển của thương hiệu mới MEATDeli là một minh chứng tiêu biểu. MEATDeli không chỉ vừa ra mắt đã gặp thời mà còn vì những nơi họ đặt nhà máy có số lượng ca nhiễm rất ít, không như nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác.

Vừa giàu vừa may như Masan – MEATDeli: Vừa ra đời đã gặp thời, nơi đặt nhà máy lại không phải trọng điểm mắc bệnh dịch - Ảnh 1.
Thịt mát MEATDeli trong các siêu thị VinMart liên tục cháy hàng trong suốt vài tháng qua.

Từ năm 2018 đến 2020, Masan đã đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng để xây dựng 2 tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, 1 ở Hà Nam và 1 ở Long An. Khi cả hai nhà máy hoạt động hết công suất, mỗi năm MEATDeli sẽ sản xuất khoảng 280.000 tấn thịt heo.

Tổ hợp MeatDeli Sài Gòn tại Long An mới xong giai đoạn 1. Cụ thể, ở giai đoạn 1 tổ hợp cung cấp thịt mát với sản lượng 140.000 tấn/năm và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông và các sản phẩm khác với sản lượng 15.000 tấn/năm.

Ở giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn/năm, đồng thời, ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như: bột huyết, huyết tương, collagen, bột thịt xương… với quy mô 14.000 tấn/năm.

Còn tổ hợp MEATDeli tại Hà Nam khánh thành trong năm 2018, có công suất thiết kế 1,4 triệu con heo mỗi năm, tương đương 140.000 tấn. Lúc đó, Masan có kế hoạch vận hành 10% công suất năm 2020 và 50% công suất năm 2021.

"Quý I/2020, ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (MML) tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với quý IV/2019. Nửa đầu năm nay, doanh thu từ thịt của MML đạt 1.055 tỷ đồng, với đà tăng trưởng 32,7% trong Quý 2/2020 so với quý I/2019", ông Phạm Trung Lâm – Tổng Giám đốc Masan MEATLife tự tin phát biểu trong năm 2020.

Masan MEATLife cũng đạt biên EBITDA ổn định ở mức 10,6% trong quý I/2021 dù giá cả hàng hóa tăng. MML tăng trưởng doanh thu 38,5% so với quý I/2020 do quy mô mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tăng gấp đôi và sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% do người chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn.

Bệnh dịch càng phức tạp, MEATDeli càng tăng trưởng tốt – đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi rất nhiều chợ đầu mối và truyền thống vẫn đang đóng cửa, việc thiếu lượng lớn shipper khiến hoạt động mua hàng online thêm khó khăn. Kể từ đầu tháng 7, VinMart tại TP. HCM đã tăng gấp đôi nguồn cung thị heo MEATDeli, song vẫn thường xuyên cháy hàng.

Tính đến cuối năm 2020, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại 1.606 điểm bán trong cả nước, trong đó có hơn 1.200 cửa hàng VinMart tại Hà Nội và TP.HCM, so với 664 điểm bán vào cuối năm 2019. Vào đầu tháng 7, TP.HCM hiện có 555 điểm bán thịt heo sạch MEATDeli, bao gồm hệ thống cửa hàng VinMart (hiện tại hệ thống VinMart bán cả thịt heo MeatDeli và CP).

Mục tiêu ngắn hạn của MEATDeli là đạt được 10% thị phần ở thị trường thịt heo tại TP.HCM - Hà Nội vào cuối năm 2021 và hướng đến 10% thị phần toàn quốc vào năm 2022.

Quỳnh Như
Ý kiến của bạn
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.