Vực dậy du lịch Việt hậu Covid-19 bằng quyết tâm chuyển đổi số

Tiếp thị
11:32 AM 01/10/2020

Đại dịch Covid-19 được cho là một 'cú huých' mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch nhanh chóng triển khai chuyển đổi số.

Du khách tìm hiểu thông tin điểm đến bằng ứng dụng công nghệ số

Tại diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã thiệt hại lớn cho con người và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả ngành du lịch.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho du lịch năm 2020 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng bị thiệt hại to lớn do Covid-19. 

Vực dậy du lịch Việt hậu Covid-19 bằng quyết tâm chuyển đổi số - Ảnh 1.

Du khách tìm hiểu thông tin điểm đến bằng ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Vietnamplus

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự đoán, năm 2020, Covid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Việt Nam luôn kiểm soát được đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch mỗi khi điều kiện cho phép, phần nào khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi khôi phục du lịch là các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch. Trong bối cảnh này các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50 – 200%. Như vậy, có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ sự ưu việt của mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của Covid-19 đối với ngành du lịch nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.

Du lịch là ngành dịch vụ, gắn liền với mọi biến động của xã hội, với nhu cầu của con người. Du lịch là ngành có điều kiện ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân. Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Cùng phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhiều ngành, gắn bó với thương mại, giao thông… Khi các ngành khác bị ảnh hưởng, du lịch cũng bị ảnh hưởng theo và ngược lại. 

Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đặt phát triển kinh tế số là mục tiêu hàng đầu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó, 5 lĩnh vực hiện nay cần tập trung gồm có: đẩy mạnh công nghệ số, quản lý điểm đến du lịch thông minh, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành du lịch tạo tương tác với các tổ chức khác, kêu gọi doanh nghiệp cùng hưởng ứng tạo ra sáng tạo trong chuyển đổi số, lan toả công nghệ số đến mọi cấp, ngành để hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Trước tác động Covid-19, ngành du lịch cần hoạt động khẩn trương và quyết liệt hơn. Các hiệp hội và cộng đồng du lịch kết hợp tạo ra sức mạnh để cùng phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Mục tiêu là "biến nguy thành cơ": phải khởi động lại gói kích cầu lần 2, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn.

Theo ông Hùng, trong 10 ngày nữa sẽ ra mắt ứng dụng du lịch an toàn giúp quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.

Còn Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết thêm, trong bối cảnh khó khăn từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh khi đại dịch được kiểm soát. Chuyển đổi số một cách toàn diện là một phần của chiến lược này.

Với việc thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trên hết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đại dịch Covid-19 là "cú huých" mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số.

Dương Dương (TH)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.