Vực dậy làng nghề mộc hậu Covid-19
Dịch Covid-19 khiến đầu ra cho các sản phẩm đồ gỗ gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề mộc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc Liên Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng
Sụt giảm doanh thu
Theo ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh), hoạt động sản xuất của các hộ trên địa bàn bị sụt giảm khoảng 80% trong quãng thời gian dài dịch Covid-19 bùng phát. “Làng nghề Đồng Kỵ có khoảng 1.500 hộ tham gia sản xuất đồ gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa. Trước dịch, doanh thu bình quân mỗi hộ đạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên hiện tại, dù dịch đã tạm lắng, nguồn thu này cũng chỉ còn khoảng 200 triệu đồng/tháng” – ông Vương nói.
Giảm mạnh quy mô sản xuất cũng là thực trạng ở các làng nghề mộc khác. Đáng lo ngại, sản xuất, kinh doanh của các làng nghề bị thu hẹp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công ăn việc làm của một lượng lớn lao động làng nghề. Ông Nguyễn Duy Khiêm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) cho biết, dù dịch Covid-19 đã tạm thời được khống chế nhưng DN hiện mới chỉ hoạt động trở lại đạt 30% công suất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Bách Việt, đơn vị chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế cho thị trường nội địa thuộc làng nghề mộc Liên Hà (huyện Đan Phượng) chia sẻ, đơn hàng bị sụt giảm lớn so với trước khi dịch xảy ra, do việc tiêu thụ khó khăn, các cửa hàng kinh doanh đóng cửa trong thời gian dài.
Mở rộng độ phủ chính sách hỗ trợ
Trước tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đến người lao động, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐTBT&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời. Các chính sách này bao gồm: Hỗ trợ trả lương cho người lao động bị tạm hoãn và nghỉ không lương, chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng và lao động bị mất việc làm.
Các thay đổi trong chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua đã cho thấy phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ trong việc hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất nói chung, tại các làng nghề trên cả nước nói riêng. Dù vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh, hiệu quả, bảo đảm các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần trợ giúp.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các chính sách và cơ chế hỗ trợ của Chính phủ cũng cần có độ phủ rộng hơn, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ngành gỗ. Trong đó, chú trọng các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình, cũng như lao động tại các làng nghề.
Để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề đã chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Ông Vũ Quốc Vương cho biết, Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện đã thành lập nhóm trên Zalo, Viber và Facebook, với hơn 179 thành viên tham gia vào các nhóm bán hàng trực tuyến. “Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ những mặt hàng làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu. Rất nhiều đơn hàng đã được thực hiện thành công thông qua kênh tiếp thị online” – ông Vương cho hay.
Cùng với các chính hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành, sáng kiến thành lập nhóm và bán hàng qua mạng xuất hiện tại các làng nghề mộc đã và đang cho thấy những hiệu quả bước đầu rất tích cực trong nỗ lực vực dậy làng nghề thời hậu Covid-19.
Theo KTĐT
Sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng hơn 56%.