Vui, buồn cùng Facebook

Văn hóa
07:50 PM 12/10/2020

Không ai có thể phủ nhận được những tiện ích và sự thú vị khi trải nghiệm cùng Facebook. Điều đó lý giải tại sao mạng xã hội này có tới hàng tỉ người dùng trên thế giới. Facebook khiến chúng ta tự tin thể hiện cái “tôi” của mình với những cảm xúc buồn vui, hờn giận. Tuy nhiên, Facebook cũng giống sự cuộc sống hàng ngày, luôn tồn tại cả mặt trái với những rắc rối, phiền não rất “đời”…

Vui, buồn cùng Facebook - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Ăn, ngủ" cùng Facebook

Trong số những người dùng Facebook, có một lượng khá lớn rơi vào tình trạng "nghiện Facebook" và con số này đang tăng lên đáng kể. Những người "nghiện Facebook" thường không biết được mình "nghiện" từ khi nào, chỉ biết rằng mình thường bồn chồn, khó chịu khi không được vào Facebook, và nếu đã vào thì có thể vào cả ngày lẫn đêm. Khi có người thắc mắc "tại sao vào lâu thế?", họ nói "vào một tí thôi". Thế nhưng, vèo một cái đã hết cả buổi. Chỉ là họ vào xem thiên hạ nói gì, bình cái gì và mình "cũng có ý kiến với". Cuộc sống như thế nào, thậm chí đang ở trong tâm trạng vui hay buồn, nhiều bạn cũng up lên Facebook ngay.

Tôi có chị bạn tên Ng, mặc dù nhiều tuổi nhưng lại "thanh niên tính", thích đàn đúm bạn bè, thích lên Facebook. Chị bảo rằng: "Ngày nào mà không vào Face thì chị không chịu được đâu". Công việc bán hàng cũng nhàn nên rảnh lúc nào là online lúc đó. Chị có thú là khi nào có món ăn ngon, đi ăn uống tụ tập, trước khi mọi người ngồi mâm chị phải lấy con Samsung A21S ra chụp vài kiểu "up" lên cho thiên hạ "bổ mắt". Chị nói rằng, mọi người nhìn thấy, bình vài câu là chị như được chia sẻ niềm vui. Chưa kể đến có người còn hỏi cách làm món ăn như thế nào, nguyên liệu mua ở đâu… làm chị lâng lâng vui sướng trong việc "chỉ bảo".

Còn chị M, Trưởng phòng Hành chính của một công ty dịch vụ môi trường, do công việc cũng không quá bận nên một ngày chị có thể vào Facebook từ 3 đến 4 tiếng. Tới cơ quan vào 8 giờ sáng hàng ngày, việc đầu tiên chị làm là ngồi máy tính và truy cập Facebook. Chị mải miết "xem dân tình quanh mình có gì mới không" rồi mải miết vào like, comment mỗi bức ảnh, mỗi dòng tâm sự của bạn bè, người thân và cả người chưa quen nếu "có hứng". Có nhiều dòng tâm sự, chị cũng chẳng đọc được hết, nhưng vẫn "like cho lịch sự". Thao tác "lướt Facebook" của chị hàng ngày thường mất hơn tiếng đồng hồ. Khi có thể tạm ngưng, đã gần 10 giờ sáng, lúc đó chị mới quay sang mải miết với công việc.

Tuy nhiên, cơm trưa xong, chị M lại lao vào Face trong khi công văn, giấy tờ vẫn chất đống trong ngăn bàn. Chị tâm sự: "Chị vẫn biết thế là vô bổ, tốn thời gian, nhưng giờ như bị "nghiện" mất rồi. Nhiều khi, up một bức ảnh nào mới lên Face là cả ngày tâm lý chỉ muốn vào xem có nhiều người like hay comment không. Thấy mọi người hồi âm, lấy đó là niềm vui âm ỉ cả ngày. Không chỉ ở cơ quan, tối về bất cứ lúc nào rảnh là chị lại online ngay, kể cả lúc lên giường cũng phải mở vào ngó nghiêng một lúc rồi mới đi ngủ được.

Còn đối với các bạn trẻ thì muôn hình vạn trạng cách thể hiện mình trên Face thế nào cho sinh động. Có cặp vợ chồng trẻ nọ ngày nào làm gì, đi đâu, ăn gì cũng chuyển tải lên Face hết. Trước mỗi món ngon, điều đầu tiên là họ xếp món lại để chụp ảnh, sau đó cắm cúi chỉnh sửa, viết một vài dòng rồi đưa lên Facebook. Rồi sau đó, vừa ăn, vừa ghé vào điện thoại để xem mọi người đã like hay comment gì. Thậm chí việc họ mua bán cái gì mới, tôi cũng biết, từ cái chăn lông, quần áo hay đồ gia dụng, chỉ đơn giản vì những thứ đấy sẽ được đăng tải ngay lập tức với những chú thích đầy đủ.

Khóc dở, mếu dở cũng vì Facebook

Rất nhiều người dùng đã nghĩ Facebook là cuốn "nhật ký riêng", nơi mình có thể tự do bộc bạch tâm sự, tự do thể hiện sự bức xúc hay phẫn nộ vì một người nào đó hay một việc gì đó. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến việc những bộc bạch của mình sẽ có nhiều người được tiếp nhận và sức lan truyền của thông tin rất ghê gớm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, công việc và cả sự tự trọng của mình.

Bà Th (ở khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội) đến giờ trong lòng vẫn còn bức xúc về cô con dâu của mình. Vốn dĩ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng khách khí, lịch sự, tuy nhiên cũng chưa có va chạm gì lớn. Thề mà cũng vì cái Facebook mà trở nên trầm trọng.

Chẳng là, bà đã nghỉ hưu được 2 năm, ở nhà chăm cháu. Vừa rồi, có sự kiện tổ chức họp lớp của bạn bè thời phổ thông, bà cũng tham gia cho vui. Lâu không gặp, mọi người tíu tít hỏi han nhau, chuyện trên trời dưới bể trên Face, hỏi ra mới biết mỗi mình bà lạc hậu là chưa có. Bà nghĩ già rồi, những thứ đó chẳng quan tâm làm gì, nhưng các bạn bảo rằng "nhiều thứ hay ho ở đó lắm". Họ túm tụm vào lập cho bà cái nick, kết nối với các bạn. Sau buổi họp đó, về nhà bà cũng tò mò chút xem sao. Cũng hay, lúc nào tranh thủ cháu ngủ bà lại vào Face trao đổi thông tin cùng bạn bè, lọ mọ thế nào mà lại vào một đường link dẫn tới địa chỉ của Hội các nàng dâu chuyên nói xấu mẹ chồng. Đọc đi đọc lại, bà không thể tin vào mắt mình, bà khẳng định đây là nàng dâu quý hóa nhà bà, bao nhiêu chuyện nàng dâu vô tư kể hết. Nào là, mẹ chồng "vừn lùn, vừa xấu lại còn tỏ ra đầu gấu", đi họp lớp mà nó lại bảo mình là "già rồi mà còn thích đàn đúm", đi chợ thì toàn "mua đồ rẻ, của ôi"…  Về nhà, ba mặt một nhời, bà hỏi con dâu, cô nàng không dám cãi câu nào. Không thể chịu được con dâu như vậy, bà cho vợ chồng con trai ra ở riêng luôn.

Cũng khóc dở mếu dở giống cô con dâu nọ, anh Trần Đình Đ. (Hoàng Mai, Hà Nội) còn suýt chút nữa thì bị đuổi việc cũng chỉ vì… thở than trên Facebook. Chuyện là vì có chút bức xúc trong công việc, anh Đ đã bồng bột đã đăng dòng tâm sự ngắn ngủi thế này: "Bí bách, ngộp thở, xin đừng vùi dập nhau nữa. Biết thế này không làm còn hơn". Anh đâu ngờ, dòng status đầy tâm trạng này đã lan truyền nhanh chóng trên các trang cá nhân của nhiều người trong cơ quan. Rồi đồng nghiệp xì xầm bàn tán dẫn đến việc sếp cho gọi anh lên gặp riêng… Từ sau vụ việc đó, anh rút được kinh nghiệm, chẳng ai dại gì bộc lộ cảm xúc như vậy trên Facebook nữa. Đây là bài học đắt giá cho anh và cho nhiều người.

Những nguy hiểm rình rập

Ngoài ra, gần đây, trên mạng xã hội Facebook liên tục xảy ra những vụ lừa đảo thông qua tin nhắn. Chúng lợi dụng uy tín của người mà chúng đánh cắp được mật khẩu trang Facebook, rồi nhắn tin cho bạn bè của nạn nhân với mục đích xấu. Nhiều diễn đàn trên Facebook lập ra với mục đích câu like, comment và share. Nhiều thông tin bịa đặt, những hình ảnh phản cảm, đả kích, bôi nhọ danh dự của nhau. Facebook có thể liên quan đến những hành vi bạo lực, lừa gạt tình dục, lừa gạt tài sản, bắt cóc... lẫn lộn tạo nên những luồng dư luận bất an trong xã hội.

Bên cạnh đó, khi vào Facebook, người dùng có thể thấy nhiều thông tin nhưng những thông tin này lại chưa được kiểm chứng, chưa kể đến sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức… và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân.

Để tránh những "tai nạn" đáng kể và những mặt trái tiêu cực của Facebook, thiết nghĩ mỗi chúng ta cần phải nhìn nhận lại bản thân mình. Hãy biết phân bổ thời gian để không quá sa đà vào Facebook. Hãy thận trọng khi đưa ra những hình ảnh hoặc phát ngôn trên Facebook. Vì đôi khi, chính những điều đó sẽ làm hại bạn. Thêm nữa là đừng vội vã kết bạn một cách ào ào trên Facebook, bởi có nhiều người bạn chưa từng biết họ, họ có thể là mối đe dọa nguy hiểm cho bạn. Facebook cũng như một xã hội vậy. Dùng Facebook cũng phải khéo léo như khi quan hệ bên ngoài xã hội. Và điều quan trọng là người dùng cần nhận thức rõ những ưu điểm và những mặt trái của nó để sử dụng một cách thông minh và hiệu quả nhất. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần xác định: Đừng để phí hoài quá nhiều thời gian vào Facebook để chuốc lấy những họa không đâu, hãy chỉ lên Facebook ở mức độ hợp lý vừa đủ, nên hướng đến những điều trong sáng, lành mạnh, cái đẹp và cái có ích.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.