Vui buồn nghề cấp dưỡng trường học
Nhiều năm qua, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã luôn chú trọng đến việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh ở các trường có tổ chức bán trú. Cán bộ cấp dưỡng tại các cơ sở giáo dục này luôn được Ban Giám hiệu trao niềm tin trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng các em học sinh.
Trong quá trình tác nghiệp, thường xuyên theo dõi mảng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều anh chị cấp dưỡng tại các trường có tổ chức bán trú. Ấn tượng trong tôi về các anh chị luôn đầy thiện cảm. Họ chính là những người có tình yêu chân thành và ấm áp với trẻ nhỏ. Họ sống trọn vẹn với nghề, dù nghề cấp dưỡng vô cùng nhọc nhằn và không ít gian nan. Đặc biệt là nghề này thường xuyên phải đối mặt với nhiều điều không như ý. Có đôi lúc, làm nghề này giống như "làm dâu trăm họ".
Đã có rất nhiều trường hợp, phụ huynh học sinh do chưa định lượng được thành phần dinh dưỡng của món ăn, nên có sự hiểu nhầm đối với chất lượng suất ăn bán trú. Họ cho rằng nhà trường chưa cân, đo, đong, đếm số lượng thực phẩm đưa vào trường để tổ chức nấu ăn. Do đó, chất lượng bữa ăn không đảm bảo. Cũng từng có rất nhiều trường hợp, những ý kiến chưa thật khách quan được đẩy lên cao trào, được phản ánh qua truyền thông và mạng xã hội, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là hình ảnh nhân viên cấp dưỡng và các nhà trường trở nên méo mó.
Có trường hợp trẻ không ăn hành, không ăn hạt tiêu nhưng chẳng may ăn phải món có hành thì trẻ không thích và về nói với bố mẹ: "Thức ăn có mùi kinh lắm". Thế là bố mẹ nghĩ ngay nhà bếp hôm nay cho trẻ ăn món ăn bị thiu, nhà bếp khó giải thích nổi.
Có thể kể đến trường hợp gần đây, một số phụ huynh của một ngôi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất bếp ăn bán trú và cho rằng cán bộ cấp dưỡng sử dụng một số gia vị, nguyên liệu giá rẻ, nhãn hiệu không tên tuổi. Các phụ huynh này phát hiện một chai nước mắm 850ml tại khu bếp ăn. Khi kiểm tra, họ khẳng định chai nước mắm này có giá chỉ 7.000 đồng, được sản xuất tại một cơ sở không uy tín. Tuy nhiên, sự thật là chai nước mắm giá rẻ trên do nhân viên bếp mang đến ăn kiêng, chứ không hề được sử dụng trong quá trình nấu ăn cho học sinh. Đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc.
Trong trường hợp trên, rõ ràng các cán bộ cấp dưỡng đã vô tình bị quy kết vào một sự việc không đúng bản chất. Chỉ vì sự hiện diện của một chai nước mắm giá rẻ trong gian bếp, mà bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tâm tư của các nhân viên cấp dưỡng bị đánh giá khác đi, bị nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực. Mấy ai hiểu được rằng, với các nhân viên cấp dưỡng này, mỗi ngày đến với gian bếp nhà trường đều tuần tự tiến hành các khâu, từ kiểm tra số lượng, chất lượng, độ tươi ngon của thực phẩm, đến việc sơ chế, chế biến thức ăn sao cho đảm bảo vệ sinh.
Hơn nữa, họ luôn tâm niệm rằng, mỗi bữa ăn của các em học sinh cần phải đảm bảo các yếu tố, đó là: màu sắc, mùi vị và chất dinh dưỡng. Họ luôn cố gắng để màu sắc trong thức ăn của trẻ thật bắt mắt, có thể để thu hút sự chú ý của trẻ. Mùi vị thức ăn thì tuyệt đối không được đậm đặc, mặn mà như đồ ăn của người lớn. Còn về chất dinh dưỡng, họ phải chọn lọc những thức ăn tốt nhất để đảm bảo cho trẻ có thể phát triển cả cơ thể lẫn trí tuệ.
Trải lòng với PV, nhiều nhân viên cấp dưỡng nói rằng, điều quan trọng nhất của người đầu bếp nhà trường là phải đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối bữa ăn cho trẻ. Với các anh chị cấp dưỡng, việc ngày ngày đến trường nhìn thấy các em học sinh ngây thơ, vui vẻ ăn hết những món ăn mà mình nấu, đó là điều hạnh phúc nhất. Ngược lại, mỗi khi thấy các con bỏ bữa, thì họ lại rất lo lắng, trăn trở và hôm sau, phải ngay lập tức tìm cách điều chỉnh cách nấu sao cho phù hợp.
Mỗi khi thấy các em học sinh ăn ngon, ăn khỏe, phát triển tốt, phụ huynh yên tâm khi gửi con cho trường, các cán bộ cấp dưỡng đều cảm thấy hạnh phúc, thấy như được tiếp thêm động lực để gắn bó dài lâu với nghề. Chỉ mong sao nghề cấp dưỡng được ghi nhận một cách trân trọng hơn, được bớt đi những hiểu lầm không đáng có, từ đó các nhân viên cấp dưỡng có thể yên tâm công tác, đồng hành cùng ngành giáo dục chăm lo toàn diện cho các thế hệ học trò. Mong rằng các bậc phụ huynh công bằng và yêu quý những người chăm sóc con mình.
Phạm HồngKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.