Vướng nợ xấu vì bị lấy trộm thông tin cá nhân
Hoạt động tín dụng hiện nay được các ngân hàng và công ty tài chính đơn giản hóa thủ tục, vay qua kênh trực tuyến để tạo thuận lợi cho khách hàng, nhưng điều này cũng là khẽ hở để kẻ gian lợi dụng sao chép, đánh cắp thông tin cá nhân một cách tinh vi, khách hàng lúc đó lại là nạn nhân của những món nợ xấu mà không hay biết.
Chiêu trò tinh vi
Mới đây, anh Phạm Văn Thắng (Ba Đình, Hà Nội) có nhu cầu vay vốn ngân hàng để kinh doanh nhưng đã tá hóa khi phát hiện mình dính nợ xấu của một công ty tín dụng.
"Kỳ lạ là hồ sơ vay tại công ty tín dụng đó có tên và số CMND trùng khớp với tên của tôi, tuy nhiên hình ảnh trên CMND lại không phải. Kẻ gian đã lên quy trình và cách thức lừa đảo rất tinh vi khi thông tin tài khoản ngân hàng để giải ngân cũng trùng khớp với hồ sơ vay. Khi đã được giải ngân, kẻ gian nhận tiền còn khách hàng như tôi bỗng dưng dính nợ xấu", anh Thắng bức xúc.
Nhiều khách hàng vướng nợ xấu khi bị mất, để lộ giấy tờ tùy thân. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia tài chính, đây là thủ đoạn mới và rất tinh vi của đối tượng lừa đảo khi có thể qua mặt cả ngân hàng để thực hiện trót lọt việc mở tài khoản tại ngân hàng. Nhiều trường hợp dù chưa từng vay vốn hay có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng nhưng bị mất CMND và đã làm lại. Đến khi có nhu cầu, liên hệ ngân hàng để vay thì không thể giải ngân do vướng nợ xấu.
Tinh vi hơn, nhiều kẻ gian còn làm giả hợp đồng vay tiền ngân hàng để dụ khách hàng. Theo đó, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng trên hợp đồng vay. Từ đó, lợi dụng lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo như thu phí hồ sơ, phí nhận hợp đồng vay…
Ông Nguyễn Đức Đồng (chuyên gia tài chính, Ngân hàng Tiên Phong) cho biết: ở những vụ việc kẻ gian lừa đảo, mạo danh thông tin, giấy tờ cá nhân rồi đi vay vốn của tổ chức tín dụng, đẩy nợ xấu cho khách hàng, cuối cùng cả ngân hàng và khách hàng đều là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo.
"Chúng tôi đã nhiều lần phát đi thông báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ vô cùng tinh vi này, không chỉ chiếm đoạt tiền mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín của khách hàng. Khi có khách hàng phản ánh bị lừa đảo, ngân hàng, công ty tài chính, ngân hàng sẽ phải ưu tiên giải quyết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, tránh nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng uy tín.", ông Đồng nhấn mạnh.
Bảo mật tuyệt đối thông tin của mình
Tín dụng tiêu dùng được xem là một trong những "cánh tay nối dài" của hệ thống tổ chức tín dụng nhằm góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là nhằm hạn chế sự phát triển của tín dụng đen. Nếu nâng cao tiêu chí thẩm định cho vay, công ty tài chính sẽ không thể cạnh tranh được với ngân hàng vì lãi suất cao. Đổi lại, nếu quá nới lỏng quy trình thủ tục cho vay, sẽ khó tránh các vụ lừa đảo, gian lận.
Để tránh chiêu lừa của tội phạm sử dụng công nghệ nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tín dụng, giao dịch trực tuyến tăng mạnh, các chuyên gia kinh tế khuyên khách hàng: Không tiết lộ, cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tuỳ thân cho bất kỳ ai nếu thật sự không cần thiết và nhìn nhận được rủi ro. Khi mất giấy tờ tuỳ thân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an ngay lập tức và lưu trữ các chứng cớ này để đảm bảo quyền lợi bản thân khi phát sinh các sự việc ngoài mong muốn có liên quan. Không quay, chụp đưa thông tin cá nhân lên mạng để tránh bị kẻ gian lợi dụng…
Nhiều đường dây làm giấy tờ giả bị triệt phá nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa
Đặc biệt, không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp.
Theo Luật sư Vũ Tiến Minh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đã được quy định tại Điều 12 Hiến pháp 2013: Theo đó quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân và trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta trong xu hướng bảo vệ quyền con người trên thế giới. Các hành vi vi phạm về bảo mật thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
"Đặc biệt, điểm a khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyền điện thì người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng".
Tuy nhiên, cũng theo luật sư, dù chế tài xử phạt như vậy nhưng để xử lý hành chính các đối tượng là rất khó, vậy nên mỗi người cũng cần tự nâng cao ý thức, có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân và thận trọng khi cung cấp thông tin của mình dù bất cứ trường hợp nào.
10 khuyến cáo để bảo vệ thông tin
1. Không sử dụng thông tin cá nhân quan trọng
2. Kiểm tra việc cài đặt bảo mật
3. Bảo vệ mật khẩu chắc chắn
4. Nên dùng nhiều mật khẩu khác nhau
5. Cài đặt bảo mật trên điện thoại di động
6. Cảnh giác với thư rác
7. Không truy cập trang web không rõ nguồn gốc
8. Chú ý thông tin liên quan đến tài chính, thẻ tín dụng
9. Bảo mật an toàn cho mạng internet
10. Cập nhật thông tin tài khoản thường xuyên
Trong kỳ điều hành ngày mai (19/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo biến động trái chiều. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 150-300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm khoảng 100-200 đồng/lít.