Vượt khó dịch COVID-19, Bộ GTVT đã cán mốc giải ngân hơn 44% vốn đầu tư công
Bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong tháng 7/2021, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT vẫn giải ngân được 2.078 tỷ đồng, nâng lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2021 do bộ này quản lý lên con số 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Với kết quả này, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%).
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản đôn đốc các Ban quản lý dự án, các cơ quan đơn vị được giao vốn phải tập trung đẩy nhanh giải quyết mọi thủ tục, tiến độ thi công các Dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công.
Đến cuối tháng 7/2021, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 Quy hoạch và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới cảng biển; Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Riêng đối với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang chờ Hội đồng thẩm định nhà nước bố trí lịch họp để thẩm định.
Do các Quy hoạch lần này đã được tổ chức thực hiện một cách chủ động, khoa học, bài bản và đồng bộ giữa các quy hoạch chuyên ngành GTVT nên cơ bản đạt được nguyên tắc kết nối, lan tỏa, linh hoạt, hiệu quả, tầm nhìn dài hạn được các chuyên gia Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá cao.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Dự án TP.HCM - Chơn Thành; Dự án vành đai 4 TP. Hà Nội; Dự án vành đai 3 TP.HCM; Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề; Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong .
Các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành ký kết và đã triển khai thi công trên hiện trường 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm đầu tư theo hình thức PPP.
Theo kế hoạch, trong ngày 30/7, Bộ GTVT sẽ ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Như vậy, hết tháng 7, cả 3 Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo hình thức PPP đều sẽ được ký kết hợp đồng và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.
Huyền My (T/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.