Vượt khó khăn, dệt may, da giày, đồ gỗ đóng góp kim ngạch xuất khẩu gần 55 tỷ USD
Mặc dù chịu tác động rất lớn từ đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhưng 3 ngành hàng xuất khẩu gồm: dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn đạt tăng trưởng xuất dương trong 9 tháng năm 2021, với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 55 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9 chỉ đạt 2,28 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 377 triệu USD) so với tháng 8 và giảm 855 triệu USD so với tháng 7/2021. Đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu giảm và cũng là tháng có trị giá xuất khẩu dệt may thấp thứ hai trong 9 tháng qua (tháng có trị giá xuất khẩu thấp nhất là tháng 2 - tháng có ngày nghỉ lễ nhiều).
Tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu hàng dệt may đạt 23,41 tỷ USD, tăng 5,6%, tương đương tăng gần 1,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,62 tỷ USD, tăng 11,1%; sang EU đạt 2,75 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 2,28 tỷ USD, giảm 11,6%.
Đóng góp vào mức tăng trưởng của toàn ngành dệt may còn có nhóm xơ sợi với trị giá trên 4,1 tỷ USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ, xuất khẩu vải mành các loại gần 600 triệu USD, tăng 83,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu toàn ngành da giày, gồm giày dép, túi xách cũng mang về 15,53 tỷ USD, trong đó, nhóm giày dép các loại tháng 9 đạt 678 triệu USD, giảm 18,9% (tương ứng giảm 158 triệu USD) so với tháng trước.
Theo Tổng cục Hải quan, đây là nhóm hàng xuất khẩu quý III (đạt 2,91 tỷ USD) giảm mạnh nhất so với quý II (5,6 tỷ USD) do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 với mức giảm 2,69 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Túi xách, vali, ô dù sau 9 tháng sụt giảm nhẹ 3,7% so với cùng kỳ, trị giá 2,23 tỷ USD. 9 tháng qua, nhóm hàng giày dép các loại xuất chủ yếu sang các thị trường như: Hoa Kỳ với 5,53 tỷ USD, tăng 22,7%; sang EU với 3,4 tỷ USD, tăng 12,5%...
Ngành hàng tiếp theo là gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 30,6% sau 9 tháng, tương ứng tăng 2,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính riêng quý III (2,86 tỷ USD) thì xuất khẩu nhóm hàng này giảm 1,57 tỷ USD so với quý II (4,43 tỷ USD) . Tuy vậy, tính đến hết quý III/2021, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này là 11,11 tỷ USD vẫn có tốc độ tăng khá cao 30,6%
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường chính, cụ thể: Hoa Kỳ đạt 6,39 tỷ USD, tăng 40,7%; Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,2%; Nhật Bản đạt 1,03 tỷ USD, tăng 11,15% so với cùng kỳ 2020.
Hồi đầu năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD, da giày 22 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 14,5-15 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt dịch kéo dài suốt mấy tháng qua, ngành dệt may cho biết, nếu kịch bản cao, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD.
Nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, một số địa phương, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD.
Ngành da giày sau 9 tháng đã xuất khẩu 15,53 tỷ USD, gồm cả giày dép, túi xách, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 22 tỷ USD trong năm nay thì quý 4 phải đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD.
Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu 14,5 - 15 tỷ USD của ngành gỗ có thể cán đích nếu quý 4 mang về thêm gần 4 tỷ USD.
Quang Lộc (T/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.