WB: 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng
Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022 - từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp.
Theo báo cáo, trong thập kỷ vừa qua, công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được các kết quả đầy ấn tượng. Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,2 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo của nước ta đã giảm đáng kể từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo chỉ còn 5 triệu người vào năm 2020.
Trong báo cáo, WB đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội.
“Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế - xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh,” Ngân hàng Thế giới khẳng định.
Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Một số nhóm có nhiều cơ hội vươn lên tầng lớp kinh tế cao hơn trong khi có tỷ lệ tụt lùi thấp hơn; đó là các nhóm thoát nông hoàn toàn hoặc có được việc làm trong khu vực chính thức trong khoảng thời gian hai năm.
Báo cáo nhấn mạnh giai đoạn 2010 - 2020 là thập kỷ chứng kiến mức tăng trưởng cao, thành tựu lớn về giảm nghèo, các hộ gia đình có xu hướng chuyển dịch sang trình độ học vấn cao hơn và người dân chuyển sang công việc phi nông nghiệp nhiều hơn.
Mức lương cao hơn và việc tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp hơn đã cơ bản góp phần nâng cao mức sống, đem lại cơ hội kinh tế tốt hơn cho đông đảo dân số trẻ tham gia vào lực lượng lao động. Mặc dù vậy, tỷ lệ nghèo ở các hộ nông thôn, hộ dân tộc thiểu số và hộ thuần nông vẫn cao hơn đáng kể.
Những nhóm này đang phải đối mặt với thách thức dài hạn do vốn nhân lực thấp hơn, chất lượng dịch vụ công ở địa phương thấp hơn, khoảng cách tiếp cận tới các cơ hội kinh tế xa hơn, và cơ hội tiếp cận với tài chính và đào tạo cũng ít hơn.
Báo cáo của WB khuyến nghị, để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc hình thành vốn con người mang tính công bằng và tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,7% hàng năm, điều kiện cần để Việt Nam đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần phải tăng từ 5,3% mức ghi nhận trong giai đoạn 2012-2018 – mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua – lên 6,6%.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao. Trợ giúp xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn cho các hộ nghèo, theo hướng mở rộng phạm vi bao phủ và tăng mức hỗ trợ.
HM (T/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.