WB: Kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ

Diễn đàn
10:32 AM 14/06/2022

Trong nhận định mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

WB: Kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 13/6 tại Hà Nội, WB chính thức công bố bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 năm 2022. Theo đó ghi nhận, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, đã có khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 2021- bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng 5 với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm 2021 là nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây 3 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với mức trước đại dịch.

Trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, có nguyên nhân 1 phần xuất phát từ tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Sau một thời gian tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị góp vốn và mua cổ phần trong tháng 5 giảm 40% so cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp.

Trong khi đó, lạm phát CPI lại nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5 chủ yếu do giá xăng dầu tăng, khoảng 54,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát giá sản xuất cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 5, với chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra tăng với mức tăng thấp nhất trong 3 tháng qua.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5. Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% so cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp. Chính phủ không vay nợ nhiều trên thị trường trong nước, với khối lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh phát hành trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 14,1% kế hoạch, chưa bằng một nửa tỉ lệ ghi nhận cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo của WB cũng nhận định, nền kinh tế đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá cả tăng. Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên trợ giá có mục tiêu tạm thời cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng có thể là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát, WB khuyến nghị.

Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích đầu tư để giúp tăng tổng cung. Đầu tư sản xuất năng lượng thay thế có thể sẽ là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.

Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.