WB: Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau
Sáng 23/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam qua Ấn bản tháng Tư với tiêu đề “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.”
Đây là chuyên đề đặc biệt, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Báo cáo kỳ này của WB cũng ghi nhận, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo, bà Dorsati Madani Chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho rằng, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin.
"Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chuyển theo hướng đi lên vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu được nới lỏng và Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành vào tháng 1/2024 có hiệu lực từ tháng 1/2025", báo cáo của WB chỉ ra.
Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.
Trong khi đó, lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% trong năm 2024 (từ mức bình quân 3,2% năm 2023), chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục và y tế dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, với kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định, CPI được dự báo sẽ giảm còn 3,0% trong các năm 2025 và 2026.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với dự kiến mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 0,1 điểm phần trăm.
Cùng với việc thu ngân sách có khả năng còn tiếp tục yếu trong khi chi tiêu công được đẩy mạnh, bao gồm tăng lương cho công chức theo kế hoạch và đẩy nhanh đầu tư công, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược Tài khóa giai đoạn 2021-2030.
Đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất, trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng có chuyên đề đặc biệt đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có một môi trường thuận lợi hơn vì các rào cản chính mang tính cơ cấu vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, bao gồm các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu.
Để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, báo cáo đưa ra 3 nhóm khuyến nghị chính liên quan đến: Đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư; Đơn giản hóa các quy định và tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập.
Huyền My (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.