WB: Triển khai vaccine đúng cách sẽ là cơ hội cho nền kinh tế toàn cầu
Những tiến triển gần đây về vaccine COVID-19 và việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sự phục hồi về niềm tin, tiêu dùng và sự cải thiện dần trong thương mại.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố vào tuần đầu tháng 1, dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng khoảng 4%, nhưng phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine trên toàn cầu.
Báo cáo cho biết: “Trong một kịch bản tích cực, việc triển khai các loại vaccine COVID-19 có hiệu quả cao một cách nhanh chóng đồng nghĩa với việc “đại dịch sẽ làm giảm bớt nhanh chóng, kích hoạt niềm tin của người tiêu dùng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén". Các nhà xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và các quốc gia có thế mạnh về thương mại và du lịch quốc tế sẽ được lợi nhiều nhất từ việc đại dịch sớm được khống chế”.
Và "theo một kịch bản bi quan về sự gia tăng liên tục các ca lây nhiễm và sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm phòng vaccine, nền kinh tế thế giới chỉ có thể lấy lại 1,6% vào năm 2021. Ngược lại, trong trường hợp kiểm soát được đại dịch và tăng tốc triển khai tiêm chủng, tốc độ tăng trưởng có thể đạt gần 5%".
Việc triển khai vaccine đúng cách sẽ là cuộc chiến sống còn đối với nhân loại, về cả sức khỏe và kinh tế. Đó là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, những người nhận thức rõ mức độ quan trọng của chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19, trong khi phải vật lộn với kỳ vọng của công chúng.
Ngay cả Tổ chức phi lợi nhuận Conference Board cũng chỉ ra 5 yếu tố chính sẽ quyết định sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2021, trong đó kết quả triển khai chương trình phân phối và tiêm chủng vaccine là một trong những yếu tố quan trọng, tác động không nhỏ tới sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Hay như trong cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal, các nhà kinh tế học đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ trở nên sáng sủa hơn nhờ chương trình tiêm chủng vaccine đã và đang triển khai và khoản hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Mỹ theo gói kích thích tài khóa sắp tới của chính quyền Mỹ.
Do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, các nhà kinh tế học dự báo kinh tế Mỹ ước tính suy giảm 2,5% trong năm 2020. Khoảng 2/3 các nhà kinh tế được khảo sát cho rằng, vaccine kháng COVID-19 sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể của kinh tế Mỹ trong năm 2021, 1/3 các chuyên gia còn lại nhận định, vaccine chỉ giúp kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng một cách khiêm tốn.
Tương tự, theo các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong những tháng tới, điều quan trọng nhất là các quốc gia phải đẩy nhanh việc cung cấp vaccine và các hệ thống kiểm tra, truy tìm và cách ly hiệu quả để các hạn chế đối với hoạt động có thể được dỡ bỏ dần. OECD dự đoán các quốc gia đạt được điều này thành công nhất có khả năng phục hồi kinh tế tương đối tốt. Vào cuối năm tới, các dự báo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng gần 10% so với cuối năm 2019 do phản ứng kinh tế và y tế thành công của nước này đối với đại dịch, với Hàn Quốc và Indonesia cũng khả quan hơn.
Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị vực nền kinh tế thế giới dậy cũng được đề cập trong báo cáo của WB. Đó là các nhà hoạch định chính sách đưa ra cải cách toàn diện để tăng cường các đòn bẩy cần thiết cho tăng trưởng công bằng và bền vững. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi bằng cách loại bỏ dần các chính sách hỗ trợ thu nhập để tạo thuận lợi cho các biện pháp củng cố tăng trưởng.
Về dài hạn, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần áp dụng các chính sách để cải thiện các dịch vụ y tế và giáo dục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động kinh doanh và quản trị để tăng sự tàn phá kinh tế của đại dịch, nhưng cũng để giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Trong bối cảnh tài khóa bấp bênh và nguy cơ nợ nần chồng chất, Ngân hàng Thế giới tin rằng cải cách thể chế để kích thích tăng trưởng hữu cơ sẽ đặc biệt quan trọng. Các nhà đầu tư nhìn chung đánh giá cao lợi ích cho tăng trưởng của các nỗ lực cải cách, điều này có nghĩa là điều chỉnh tăng các dự báo dài hạn và sự gia tăng dòng đầu tư.
Trước mắt, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và tiến trình phục hồi kinh tế còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những tiến bộ về vaccine COVID-19 thì đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, các hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu, khi các chính phủ đưa ra những hành động cần thiết nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng.
Hoài ThươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.