WB và ADB cho vay và viện trợ gần 400 triệu USD cho 3 dự án lớn
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết các hiệp định cho vay và viện trợ với tổng giá trị gần 400 triệu USD với Việt Nam.
Ngày 16/4, Việt Nam đã ký kết các hiệp định vay và viện trợ với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đánh dấu bước tiến hợp tác giữa Việt Nam và hai định chế tài chính quốc tế hàng đầu. Các hiệp định này nhằm tài trợ cho 3 dự án trọng điểm về môi trường, giao thông và thích ứng biến đổi khí hậu với tổng giá trị vay và viện trợ gần 400 triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến ADB ký kết các hiệp định vay và viện trợ với Việt Nam. Ảnh: Bộ Tài chính.
Cụ thể, các dự án này bao gồm Dự án Cải thiện Môi trường nước tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 7.211 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IBRD) là 5.354 tỷ đồng (tương đương 230,76 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, có tổng mức đầu tư 3.901,602 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IDA) là 2.493,731 tỷ đồng (81,2 triệu SDR - tương đương 107,67 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông vận tải).
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, gồm dự án thành phần Phú Yên và dự án thành phần Quảng Trị.
Dự án thành phần tỉnh Phú Yên có tổng mức đầu tư là 914,776 tỷ đồng (tương đương 39,413 triệu USD), trong đó: vốn vay OCR của ADB là 673,09 tỷ đồng (tương đương 29 triệu USD) và vốn viện trợ không hoàn lại là 23,21 tỷ đồng (tương đương 01 triệu USD), vốn đối ứng là 218,476 tỷ đồng (tương đương 9,413 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND tỉnh Phú Yên.
Dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có tổng mức đầu tư là 921,698 tỷ đồng (tương đương 39,711 triệu USD), trong đó: vốn vay OCR của ADB là 696,298 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD), vốn đối ứng là 225,4 tỷ đồng (tương đương 9,711 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND tỉnh Quảng Trị.
WB và ADB là hai trong những đối tác phát triển chiến lược, đồng hành cùng Việt Nam qua nhiều thập kỷ trong hành trình giảm nghèo, cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy phát triển bền vững.
WB là một trong các đối tác đa phương cung cấp vốn vay ODA và vay ưu đãi lớn nhất cho Việt Nam (đáp ứng khoảng 35% nhu cầu huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ).
Tính đến tháng tháng 04 năm 2025, WB đã cam kết hơn 180 khoản vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kĩ thuật cho Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 26 tỷ USD (trong đó tổng giá trị vay đã ký kết khoảng 23 tỷ USD). Nguồn vốn vay của WB ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng thiết yếu, giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, nước, môi trường và nông nghiệp.
ADB cũng đã cung cấp tổng vốn vay và viện trợ lên tới hơn 18 tỷ USD cho Việt Nam kể từ khi bắt đầu hợp tác vào năm 1993. Các chương trình, dự án của ADB tại Việt Nam tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng sạch, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các vùng khó khăn và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ hỗ trợ tài chính, cả WB và ADB còn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn chính sách, nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án phát triển.
Huyền My (t/h)
Trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon, dự kiến sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp, thuộc 3 lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng, được đưa vào tham gia thị trường.