WB: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương
Với triển vọng kinh tế Việt Nam tốt hơn vào những tháng cuối năm, Ngân hàng Quốc tế (World Bank - WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. WB nhấn mạnh: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương”.
WB phân tích, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo giá hiện hành năm 1986 của Việt Nam chỉ đạt 26,34 tỷ USD đến năm 2023 đã tăng lên tới 429,72 tỷ USD, gấp 16,3 lần. GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1986 đạt 430,2 USD, đến năm 2023 đã tăng lên 4.346,8 USD, gấp 10,34 lần.
Thu nhập quốc gia (GNI) tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 14,15 tỷ USD, đến năm 2023 tăng lên 412,94 tỷ USD, gấp 29,2 lần. GNI bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 1989 đạt 220 USD, đến năm 2023 đã tăng lên 4.180 USD, gấp 19 lần.
Nhờ có nền tảng vững chắc, WB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng. Ngân hàng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đạt 6,1, cao hơn mức dự báo 5,5% đưa ra vào tháng 4.
Kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao ở một số lĩnh vực như xuất khẩu hay sản xuất công nghiệp, đầu tư nước ngoài (FDI) cũng ở mức cao…
Về cơ hội của nền kinh tế những tháng cuối năm, trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, WB cho rằng, nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.
Cùng với đó, cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang củng cố cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Một trong những khó khăn chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU và Trung Quốc.
Do đó, WB khuyến cáo, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đặc biệt trong năng lượng, giao thông và logistics (đang là nút thắt cản trở tăng trưởng); các ngân hàng cần cải thiện hệ số an toàn vốn, cải thiện xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam với các cú sốc bên ngoài. Có như vậy, đà phục hồi của nền kinh tế sẽ được giữ vững, tăng trưởng quý III/2024 sẽ đạt kịch bản 6,5-7,4%, từ đó, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.