World Bank: Chính phủ Việt Nam phải đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách hỗ trợ
Ngân hàng Thế giới đưa ra lời khuyên cho Việt Nam trong báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất.
Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất vào tháng 1 của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã tăng lên đến 4,5% trong quý cuối cùng của năm 2020 (so với cùng kỳ năm trước), nhờ đó tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 2,9% - đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.
Tháng 12/2020 đánh dấu một kết quả tích cực khác trong thương mại hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng hai con số về nhập khẩu (23,1%) và xuất khẩu (17,8%), trong khi dòng vốn FDI đã chậm lại. Vốn FDI đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD vào tháng 12/2020, thấp hơn khoảng 28,9% so với tháng trước và thấp hơn 66,3% so với tháng 12 năm trước.
Nhìn chung, Việt Nam đã thu hút được hơn 28,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020, thấp hơn khoảng 25% so với năm 2019, nhưng đây vẫn là một thành tựu lớn do UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào Đông Á sẽ giảm 30-45% vào năm 2020
Chỉ số giá tiêu dùng đi ngang trong tháng 12/2020 (so với cùng kỳ năm trước) do giá lương thực ổn định trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng.
Tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 10, kết thúc năm 2020 ở mức 10,1% (so với cùng kỳ năm trước).
Thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao và cho thuê đất giúp cải thiện thu Ngân sách Nhà nước trong Quý 4/2020, đồng thời thanh khoản dồi dào tiếp tục làm giảm chi phí vay vốn của Chính phủ trên thị trường trong nước.
Việc phê duyệt và bắt đầu triển khai tiêm chủng rộng rãi một số loại vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2020 đã nâng cao triển vọng kinh tế trong nước và trên toàn cầu trong năm 2021, đặc biệt là đối với ngành du lịch và hàng không, nhưng vẫn còn rủi ro phân phối vắc xin chậm cũng như xung đột thương mại.
Cuối cùng, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ sẽ phải đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách kinh tế vĩ mô đã được sử dụng để ứng phó với khủng hoảng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Thái QuỳnhKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.