World Bank: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6,5% trong 3 năm 2022-2024
World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5% và sẽ giảm nhẹ xuống 6,7% trong năm 2023 và dự kiến đạt 6,5% trong năm 2024.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã đưa ra dự báo như vậy tại báo cáo được công bố ngày 8/8.
Cụ thể, do tác động xuất phát điểm thấp, GDP dự kiến tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức cao trong năm 2022 và giảm nhẹ sau đó quay về như trước đại dịch.
Lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, chi phí giao thông và đầu vào trung gian nhập khẩu chuyển tải vào giá thành sản phẩm cuối cùng. Dự báo CPI cho năm 2022 giả định rằng lạm phát tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra và tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo dự báo cho năm sẽ khiến cho CPI tăng đến 4% trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.
Để đưa ra dự báo trên, báo cáo của WB cho biết, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua với 5,1% trong quý 1/2022 và 7,7% trong quý 2/2022. Thành tích này đạt được là nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, khi người tiêu dùng được "thỏa mãn" những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý, triển vọng tích cực được dự báo vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi của Việt Nam.
Theo đó, rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện.
Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.
Theo WB, trước mắt, liên quan đến chính sách tài khóa, trọng tâm nên nhằm vào tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.
Liên quan đến khu vực tài chính, WB khuyến nghị Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo, dự phòng nợ xấu đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ.
Các nhà nghiên cứu của WB đánh giá, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực (khi lạm phát cơ bản tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ và Quốc hội đặt ra) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
Trong khi đó, rủi ro trong nước cũng không kém phần thách thức, xuất khẩu bị chững lại tại những thị trường xuất khẩu chính, các chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam cũng bị gián đoạn, nguyên vật liệu đầu vào bị khan hiếm, kéo dài tiến độ giao hàng do những chính sách thắt chặt của Trung Quốc, thiếu hụt lao động bị đẩy lên cao cũng là những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Ngân hàng Thế giới, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng cho hay, nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối vững vàng và có sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn COVID-19. WB dự báo kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng khả quan trong cuối năm nay và cả sang năm 2023.
Hoài Thương (t/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.