World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể đạt 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương
Theo báo cáo mới đây do Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD công bố, dự báo kiều hối về Việt Nam tăng mạnh, đạt mức 18,1 tỷ USD năm 2021, đứng thứ 8 thế giới. Theo đó, lượng kiều hối tăng trưởng tích cực bất chấp Covid-19 hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là giúp ổn định nguồn cung ngoại tệ.
Kiều hối về Việt Nam đứng thứ 8 thế giới
Dự báo của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đón lượng kiều hối dồi dào bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo nêu rõ, lượng kiều hối dự báo về Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam cũng duy trì ở mức cao, đạt 17,2 tỷ USD, xếp hạng thứ 11 toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư cũng đang diễn ra trong lĩnh vực kiều hối. Năm 2020 báo cáo cập nhật dữ liệu đã được Ngân hàng Thế giới điều chỉnh tại Việt Nam từ mức 15,7 tỷ USD lên 17,2 tỷ USD.
Với lượng kiều hối chảy về tương đương 5% GDP năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia tại Đông Á - Thái Bình Dương có tỷ trọng kiều hối trên GDP cao nhất.
Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10.000 người lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài. Lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm ở nhiều thị trường hứa hẹn sẽ gia tăng nguồn cung kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới đây.
Cùng với đó, những năm qua, lượng kiều hối được gửi về đã tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chính điều này đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Muốn kinh tế phục hồi, cần tạo điều kiện cho dòng kiều hối về nước dễ dàng
Báo cáo từ WB và KNOMAD nhận định, tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm 2021. Theo các chuyên gia, hiện trạng phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7%, bất chấp đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.
Báo cáo thông tin, kiều hối tăng mạnh tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, dòng kiều hối tăng 21,6%, mức tăng 9,7% được ghi nhận tại Trung Đông và Bắc Phi, 8% tại Nam Á, 6,2% tại châu Phi hạ Sahara, và 5,3% tại châu Âu và Trung Á. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kiều hối giảm 4%, nhưng nếu không tính Trung Quốc thì kiều hối tăng 1,4%.
WB cho biết, tăng trưởng kiều hối đặc biệt mạnh tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe chủ yếu là do kinh tế phục hồi tại Mỹ và một số yếu tố khác, bao gồm việc người di cư hỗ trợ quê hương ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh và kinh tế suy thoái.
Năm nay, lượng kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ vượt tổng giá trị của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cộng lại trong năm thứ hai liên tiếp.
Theo báo cáo, chính xu hướng dòng kiều hối này cho thấy giá trị cấp thiết của kiều hối trong việc cung cấp nguồn thu nhập thiết yếu như lương thực, chăm sóc y tế và giáo dục tại đối với quê hương của người xa xứ trong bối cảnh kinh tế trì trệ, khó khăn trăm bề do Covid-19.
Theo Giám đốc Toàn cầu của World Bank về an sinh xã hội, việc làm Michal Rutkowski, dòng kiều hối từ người di cư đã cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền giúp đỡ nhiều gia đình chịu đựng khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19.
Ông Michal lý giải, có nhiều nhân tố đóng góp vào tăng trưởng kiều hối toàn cầu, bao gồm quyết tâm nuôi sống và giúp đỡ gia đình của người di cư, cùng với đó là sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ.
Ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Nga, sự phục hồi của dòng kiều hối sang các nước khác còn được thúc đẩy bởi giá dầu tăng và hoạt động kinh tế do đó cũng diễn biến tích cực.
Cùng với đó, Chủ tịch KNOMAD Dilip Ratha đề nghị các quốc gia cần mở rộng quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền cho người di cư nếu muốn dòng kiều hối tiếp tục tăng trưởng, đồng thời bảo vệ họ khỏi việc bị lạm dụng về lương bổng và quyền được tiếp cận vaccine Covid-19 đầy đủ.
Các chuyên gia của WB cũng như KNOMAD dự báo, kiều hối sẽ tăng 2,6% trong năm 2022. Ngoài ra, khi kinh tế phục hồi đủ, việc chấm dứt gói kích thích và ngừng hỗ trợ lao động cũng có thể làm giảm lượng kiều hối trên toàn cầu.
Anh VũTheo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.