World Bank: Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế đáng kể

Cộng tác viên
08:00 AM 17/06/2020

Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại nhiều rào cản đối với cạnh tranh khiến cho một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả vẫn còn hiện hữu...

Việt Nam còn tồn tại nhiều rào cản đối với cạnh tranh khiến cho một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả vẫn còn hiện hữu trên thương trường, đồng thời kiềm chế sự phát triển của những công ty có năng suất cao.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra trong báo cáo mới đây của World Bank “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”.

Theo WB, Việt Nam có rất ít mối liên kết có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ và giữa các công ty trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, môi trường kinh doanh còn có những trở ngại quan trọng gây cản trở khả năng tiếp cận đến nguồn lực tài chính, phức tạp hoá các thủ tục hành chính và hạn chế đổi mới, sáng tạo. 

Do vậy, nhóm phân tích của WB đưa ra rằng Việt Nam cần cải cách trên tất cả các lĩnh vực này. Thứ nhất, về thúc đẩy thị trường: Các cơ chế gia nhập và rời bỏ thị trường có trật tự đảm bảo những công ty có khả năng cạnh tranh kém sẽ bị đóng cửa và nguồn lực có thể chảy vào các doanh nghiệp có năng suất cao. Một bước đi cụ thể cần thực hiện là cải cách quy định pháp lý về phá sản. So với thông lệ tốt nhất toàn cầu, chi phí phá sản ở Việt Nam cao gấp ba lần và thời gian dài gấp 10 lần. Cam kết liên tục xây dựng một khung pháp lý cởi mở và có quy tắc cho các giao dịch và hội nhập kinh tế khu vực sẽ thúc đẩy cạnh tranh và dòng vốn kiến thức. Những doanh nghiệp hiệu quả nhất sẽ tìm đến các thị trường quốc tế khuyến khích họ liên tục đổi mới, tận dụng lợi thế kinh tế của quy mô và xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp trong nước.

Thứ hai, hiện đại hóa thể chế: Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng các quyết định hành chính và pháp lý thường không minh bạch, dường như không dựa trên kết quả hoạt động mà mang tính thiên vị hoặc do tham nhũng (gần 60% doanh nghiệp ở các tỉnh cho biết đã phải hối lộ trong năm 2017). Để có một môi trường kinh doanh, trong đó những công ty hiệu quả nhất, chứ không phải có mối liên hệ mật thiết nhất, sẽ hoạt động thành công đòi hỏi phải tạo ra một sân chơi bình đẳng với các quyền lợi, quy tắc và quy định rõ ràng và có thể thực thi về mặt pháp lý. Đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính sẽ tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong khu vực nhà nước.

Một lĩnh vực cụ thể cần nhanh chóng cải cách là ngành tài chính để tiền tiết kiệm sẽ được đưa vào những hoạt động đầu tư có khả năng sinh lời cao nhất. Nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong ngành ngân hàng, cần giảm bớt những biện pháp can thiệp trực tiếp của nhà nước và sự thiên vị trong định hướng nhu cầu tín dụng, đồng thời tăng cường khung pháp lý về giám sát và phá sản ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng số sáng tạo (chủ yếu qua điện thoại di động) và sự phát triển của thị trường vốn cũng là hai kênh giúp thúc đẩy một nền tài chính bao trùm. Mục tiêu là xây dựng một thị trường vốn linh hoạt hơn và theo định hướng thị trường với số lượng nhà đầu tư lớn.

Thứ ba, rà soát các chính sách ưu đãi: Nếu thị trường thất bại, cần có sự tham gia trực tiếp hơn của chính phủ. Tăng cường cạnh tranh trên cơ sở thị trường có thể làm các doanh nghiệp khó hợp tác hiệu quả hơn. Trong khi đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong những hoạt động mang tính bổ sung, hoặc giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, có thể nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh nói chung.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia như Costa Rica, Malaysia hay Hàn Quốc, các chương trình của nhà nước có thể hỗ trợ hình thành những mối liên kết đó thông qua các chương trình thông tin, hợp tác công-tư hoặc các khu công nghiệp và vườn ươm doanh nghiệp được quản lý tốt. Doanh nghiệp cũng có thể không đầu tư đúng mức vào đổi mới, sáng tạo, hoặc gặp khó khăn trong việc hấp thụ công nghệ, đặc biệt là khi gặp vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và năng lực quản lý còn kém.

WB cho rằng, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tăng cường hiệu lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua các tòa án chuyên ngành và có thể đầu tư trực tiếp hơn vào hỗ trợ đổi mới và đào tạo để nâng cao năng lực quản lý.

Linh Nga
Ý kiến của bạn