WWF hỗ trợ quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL
Trong 2 ngày (2-3/3), tại TP Cần Thơ, WWF - Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ NN&PTNT, TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo kết hợp trực tuyến và trực tiếp về Khởi động Gói tư vấn Xây dựng ngân hàng cát và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các bộ ban ngành liên quan cùng lãnh đạo của 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Theo đó, Dự án "Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)", gọi tắt là Dự án Quản lý khai thác cát bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF - Việt Nam.
Dự án được thực hiện trong 5 năm (2019 - 2023) với 4 mục tiêu chính, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL. Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng và Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Để đạt được những mục tiêu trên, dự án sẽ thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở ĐBSCL, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững ở khối công và tư, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với BĐKH của vùng đồng bằng.
Trong đó, hai nghiên cứu quan trọng nhất là Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông Khu vực ĐBSCL, được xem là những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở quy mô toàn đồng bằng. Phạm vi thực hiện nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh thành ở ĐBSCL, trong đó 1 tỉnh thành sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của dự án vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của tỉnh.
Bên cạnh hai nghiên cứu chính nêu trên, dự án cũng thực hiện các nghiên cứu khác về tình hình khai thác, sử dụng cát ở ĐBSCL và các vùng lân cận, và sử dụng các kết quả đầu ra làm cơ sở để thúc đẩy các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam tìm kiếm các nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sông.
Các buổi đối thoại, tọa đàm sẽ được tổ chức nhằm cung cấp các thông tin về rủi ro kinh tế - xã hội và môi trường liên quan đến khai thác cát, tạo điều kiện để trao đổi và lắng nghe ý kiến đa bên, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khai thác và sử dụng cát, các tác nhân liên quan khác trong ngành cũng như đại diện của cộng đồng địa phương.
Trong bối cảnh nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng phát triển như hiện nay, việc kết nối các bên liên quan và có cái nhìn đa chiều là vô cùng quan trọng để xây dựng những chính sách quản lý cát toàn diện và hiệu quả.
Những thách thức trong quản lý khai thác cát ở ĐBSCL
Ở ĐBSCL, phần cuối của con sông Mê-kong, chủ yếu là cát sông được khai thác. Hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ĐBSCL đã cho thấy hàng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm sắp tới.
Cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: xói mòn các nhánh sông, tiếp tục xói lở bờ gia tăng (khoảng 500ha/năm) đã làm Đồng bằng thay đổi hình dạng. Việc này được ghi nhận từ năm 2005. Hơn 70% cát khai thác được sử dụng để san lấp. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự và đại diện của khu vực tư nhân, thiếu kiến thức về tác động môi trường của việc khai thác với tốc độ như hiện tại và việc sử dụng cát sông không bền vững, ví dụ để san lấp. Các bên liên quan không biết rằng ngân hàng cát đã bị thâm hụt trong nhiều năm. Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới.
Hiện nay, cát sông vẫn được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường trong Luật Khoáng sản năm 2010 nên việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, sử dụng và khai thác cát lòng sông. Sở TNMT được phân công là đơn vị quản lý và cấp phép khai thác cát sông. Chỉ những mỏ cát liên quan đến hai tỉnh thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Tuy nhiên, ở không ít địa phương vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn trong khi việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế. Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông sử dụng nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng (khai thác vào ban đêm, gần sáng, tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng chưa tuân thủ quy định theo Giấy phép được cấp (thời hạn cấp phép, công suất khai thác, vị trí khai thác), không chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan, dẫn đến tình trạng sạt lở, biến đổi dòng chảy, mất an toàn giao thông đường thủy…
Chính phủ đã có động thái hạn chế và xác định hạn ngạch khai thác, tuy nhiên việc xác định chi tiết trữ lượng khai thác cát bền vững chưa có cơ sở tin cậy do thiếu dữ liệu khoa học về định lượng cát. Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được khối lượng cát được khai thác cũng như ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Hơn nữa, các nhà ra quyết định ở địa phương có rất ít kiến thức về tác động tích lũy của việc khai thác cát ở địa phương.
Khai thác cát không bền vững và hậu quả với ĐBSCL và sinh kế người dân
Năng suất sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái của đồng bằng phụ thuộc nhiều vào sự lắng đọng trầm tích. Không có dòng trầm tích (cát, bùn, sét) từ thượng nguồn và các phụ lưu của sông Mekong, đất phù sa của đồng bằng - đã được bồi lắng qua hàng ngàn năm - sẽ biến mất vào biển. Từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích đến đồng bằng đã giảm 50%.
Theo dự đoán từ năm 2015, với kịch bản toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê-kong được xây dựng và vận hành thì lượng trầm tích về đồng bằng trong tương lai sẽ có thể sẽ giảm tới 95%. Nguồn cung cấp trầm tích lâu đời từ thượng nguồn đến ĐBSCL hiện đang bị đe dọa ở nhiều khía cạnh do áp lực sử dụng tăng: (i) khai thác thương mại vật liệu trầm tích dưới lòng sông (khai thác cát sỏi), (ii) giảm tải lượng trầm tích liên quan đến việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và (iii) khai thác nước ngầm quy mô lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định địa mạo của đồng bằng.
Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà. Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông.
Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây. Những áp lực môi trường này có thể phá huỷ khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của vùng đồng bằng này.
Hội thảo tham vấn hoạt động nghiên cứu
Ngày 3/3, tại TP. Cần Thơ, WWF-Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai - Bộ NN&PTNT chủ trì Hội thảo Khởi động Gói tư vấn Xây dựng Ngân hàng Cát và Kế hoạch Duy trì Ổn định Hình thái sông khu vực ĐBSCL. Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe trình bày những kết quả nghiên cứu cơ sở ban đầu về tình hình khai thác cát tại ĐBSCL, các trữ lượng trầm tích…
Quan trọng nhất, hội thảo sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý về phương pháp khảo sát, các địa điểm nghiên cứu chuyên sâu, phương pháp mô hình hoá; xây dựng kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông; lựa chọn các tỉnh thí điểm lồng ghép kết quả nghiên cứu vào kế hoạch khai thác cát của tỉnh.
Văn Dương - Hồng ÂnSố liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.