Xã Bách Thuận: Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái

Địa phương
11:04 AM 28/08/2023

Với định hướng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, Thái Bình) đang ngày một vững vàng trên con đường ổn định thu nhập cho người dân.

Làng vườn Bách Thuận thuộc xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cái tên Bách Thuận được ghép bởi hai làng cổ mang tên Bách Tính và Thuận Vi. Làng vườn nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 13km.

Vị trí xã Bách Thuận dễ dàng kết nối với các tỉnh và đô thị thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, giao thương của địa phương và tỉnh Thái Bình. 

Nằm tiếp giáp với cầu Tân Đệ - cửa ngõ của tỉnh Thái Bình, Bách Thuận còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng khi hội tụ mọi điều kiện về giao thông, tài nguyên làng vườn, di sản văn hóa, nếp sống, phong tục truyền thống….

Thái Bình: Xã Bách Thuận phát triển du lịch làng vườn - Ảnh 1.

Cổng làng xã Bách Thuận - Ảnh: Thành Trung

Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, với khí hậu ôn hòa, Bách Thuận được ví như thiên đường của các loại cây trồng. Từ xa xưa, vùng đất này được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, nhà ở xen canh mang đặc điểm một vùng sinh thái tự nhiên với hệ thống thực vật phong phú. Điều này giúp nhân dân địa phương thuận lợi trong phát triển kinh tế. 

Xã Bách Thuận có nghề truyền thống trồng và chăm sóc các loại cây hoa, cây ăn quả, cây cảnh và hương dược liệu như: Hoa hòe, hoa ngâu, hoa tết, cây ăn quả như: Bưởi, nhãn, táo, ổi và cây cảnh quanh năm. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu nhiều vườn cây cảnh độc đáo, được uốn tỉa kỳ công dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ.

Cây cảnh được trồng tại xã Bách Thuận - Ảnh: Hải Long

Với lợi thế vốn có, Bách Thuận mang đầy đủ đặc điểm của khu sinh thái xanh tươi, trù phú với đủ loại cây trồng, hoa trái. Mỗi nhà dân ở đây đều sở hữu các vườn cây từ 700m2 đến 3.000m2, có tiềm năng về xây dựng mô hình nhà vườn sinh thái chuyên nghiệp. 

Không chỉ vậy, Bách Thuận còn kết hợp nghề trồng cây tại vườn với phát triển mô hình nhà lưu trú homestay, liên kết với những bãi hoa ven sông Hồng để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm, câu cá và trải nghiệm làng quê cùng cộng đồng dân cư và các nghệ nhân làm vườn, làm cây cảnh.

Nói đến Bách Thuận không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực với những đặc sản từ lúa gạo nổi tiếng khắp vùng. Chợ Thuận Vi có rất nhiều loại bánh, những món ăn như nem nắm, giò, chả... được chế biến bởi sự khéo léo của người dân nơi đây, khiến mỗi món ăn dường như có hương vị đặc trưng riêng.

Định hướng phát làng nghề truyền thống kết hợp cùng du lịch sinh thái, trải nghiệm làng vườn đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Thái Bình: Xã Bách Thuận trên con đường phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Một ngôi nhà cổ với niên đại hàng trăm năm do ông Nguyễn Như Tuấn phục dựng - Ảnh: Thành Trung

Trao đối với PV, ông Nguyễn Kim Sáu - Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: "Cổng làng, chợ Thuận Vi, Nhà vườn sinh vật cảnh... là những điểm khám phá chính không thể bỏ qua khi đến với làng vườn Bách Thuận. Hiện phương đang khẩn trương quy hoạch và tổ chức thực hiện đề án "Phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái làng vườn Bách Thuận", góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương và quảng bá làng vườn Bách Thuận. 

Ngoài ra, xã còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ truyền thống mang đậm nét văn hóa cư dân đồng bằng Bắc Bộ với nhiều vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, tiêu biểu cho thời kỳ phong kiến như: thau đồng, mâm đồng, lư... Cụ thể: Có 8 nhà gỗ kiến trúc truyền thống với niên đại trên 100 năm tuổi, 5 nhà gỗ niên đại 86 đến trên 90 năm tuổi hiện đang được các gia đình sử dụng và bảo tồn. Đây cũng là những điểm đến thú vị đối với du khách bởi đó là những nét đẹp dân gian, truyền thống của ông cha ta".

Thái Bình: Xã Bách Thuận phát triển du lịch làng vườn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Kim Sáu - Chủ tịch UBND xã Bách Thuận - Ảnh: Kim Dung

Ngoài ra, hàng năm, xã Bách Thuận có 2 lễ hội cổ truyền thu hút du khách, gồm: "Lễ hội làng Thuận Vi" và "Lễ hội Đình - Chùa làng Bách Tính" được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh kết hợp giáo dục lịch sử cho nhân dân. 

Với lịch sử phát triển lâu đời, xã Bách Thuận có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Nổi bật có chùa Từ Vân và Bách Tính được Nhà nước xếp hạng di tích cần được bảo vệ, là một điểm du lịch tâm linh để du khách trong và ngoài nước tới thắp hương, vãng cảnh làng quê.

Thái Bình: Xã Bách Thuận phát triển du lịch làng vườn - Ảnh 4.

Chùa Từ vân - Xã Bách Thuận - Ảnh: Thành Trung

Anh Nguyễn Văn Oai (nghệ nhân cây cảnh) cho biết: "Người dân Bách Thuận đã gắn với vườn cây hàng trăm năm qua. Nhờ vào lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng người dân đã nghiên cứu, cùng nhau trồng cây và phát triển thành làng nghề, giúp ổn định nguồn thu nhập của người dân. Những năm vừa qua, nhiều gia đình đã định hướng phát triển du lịch nhà vườn, trong đó có gia đình tôi và gia đình ông Nguyễn Như Tuấn (Nghệ nhân cây cảnh - PV). 

Gia đình tôi và ông Tuấn là 2 trong số 4 nhà vườn nhận được chứng nhận nhà vườn tiêu chuẩn cấp Quốc gia. Hiện tại chúng tôi đang trồng chủ yếu trồng một số giống cây như tùng La Hán, cây sanh, hoa nhài, hoa mẫu đơn, mộc hương. Đây là những giống cây đang được ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao".

Thái Bình: Xã Bách Thuận trên con đường phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Văn Oai bên tác phẩm Đôi Long Cổ - Ảnh: Kim Dung

Những năm qua, một số người dân xã Bách Thuận đã bán rất nhiều cây cảnh với giá trị cao. Điển hình, gần đây anh Nguyễn Văn Oai đã bán tác phẩm có tên "Đại thế vân tùng" với giá trị lên đến 15 tỷ đồng. Ngoài ra anh Nguyễn Văn Oai còn sở hữu nhiều tác phẩm có giá trị khác như: Tác phẩm "Phù Đổng Đại Thiên Vương" và "Đôi Long Cổ" có giá khoảng 4 tỷ đồng; Tác phẩm "Long Quy Xuất Động" có giá khoảng 2 tỷ đồng và nhiều tác phẩm khác với giá trị vài trục đến hàng trăm triệu đồng.

Một số tác phẩm cây cảnh tiêu biểu tại Bách Thuận - Ảnh: Hải Long

Nhờ đó, xã Bách Thuận đã và đang được nhiều ngườibiết đến. Đây cũng là tiền đề giúp cho xã Bách Thuận dần hình thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển làng nghề truyền thống.

Thái Bình: Xã Bách Thuận phát triển du lịch làng vườn - Ảnh 7.

Một du khách đến trải nghiệm tại làng vườn Bách Thuận.

Với các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, môi trường, làng nghề truyền thống, sản phẩm ẩm thực, con người và lịch sử văn hóa, tâm linh, lễ hội... xã Bách Thuận có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng như: Du lịch trải nghiệm làng vườn sinh thái - ẩm thực, du lịch kết hợp giáo dục lịch sử văn hóa, tâm linh và lễ hội... 

Bách Thuận đã chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh Thái Bình từ năm 2002. Sau rất nhiều năm thúc đẩy lợi thế sẵn có, đến nay, những tín hiệu vui bắt đầu lộ diện trên mảnh đất này. 

Sắp tới, Bách Thuận sẽ được đầu tư bài bản, tạo thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thiên nhiên, muốn trải nghiệm về miệt vườn châu thổ Sông Hồng.

Thành Trung - Kim Dung - Hải Long
Ý kiến của bạn