Xã hội không tiền mặt tại Bắc Âu từ chối Bitcoin vì... quá đắt
Trong phiên giao dịch 22/3/2021, đồng Bitcoin được giao dịch với giá khoảng 57.000 USD, tăng gần 900% so với 1 năm trước đây.
Na Uy nổi tiếng là nền kinh tế không tiền mặt trên thế giới khi hơn 96% số giao dịch tại quốc gia này được thực hiện qua các phương tiện thanh toán online hoặc ngân hàng. Thế nhưng mới đây, Ngân hàng trung ương Na Uy (NB) lại khuyến nghị người dân không nên dùng Bitcoin trong thanh toán bởi chúng...quá đắt.
Thống đốc Norges Bank, ông Oystein Olsen nhận định việc dùng Bitcoin cho một xã hội không tiền mặt rất bất tiện dù đây là loại tiền ảo phổ biến nhất thế giới. Chính phủ Na Uy cũng cho rằng việc dùng Bitcoin thay thế đồng nội tệ hiện đang lưu hành là điều không thỏa đáng dù họ muốn thúc đẩy một xã hội không tiền mặt.
Theo Thống đốc Olsen, đồng Bitcoin ngốn quá nhiều tài nguyên điện và ảnh hưởng đến môi trường. Loại tiền ảo này cũng có giá quá đắt và đặc biệt là không hề ổn định.
"Nghĩa vụ của ngân hàng trung ương là nhằm cung cấp sự ổn định cho giá trị đồng tiền trong lưu thông, mà Bitcoin thì chẳng đáp ứng được điều đó", Thống đốc Olsen nhấn mạnh.
Tuyên bố của NB được đưa ra sau khi doanh nhân Na Uy nổi tiếng Kjell Inge Rokke lên tiếng ủng hộ đồng tiền ảo. Theo Rokke, những đồng tiền số sẽ là tương lai của thị trường tiền tệ và giá của Bitcoin sẽ có ngày lên tới hàng triệu USD.
Trong phiên giao dịch 22/3/2021, đồng Bitcoin được giao dịch với giá khoảng 57.000 USD, tăng gần 900% so với 1 năm trước đây. Hàng loạt những người nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk của Tesla, Cathie Wood của Ark Investment hay Matt Mcdermott của Goldman Sachs đã đầu tư vào Bitcoin.
Chính phủ Na Uy hiện đang chạy đua để phát hành loại tiền số của riêng họ trước khi Bitcoin chiếm lĩnh thị trường trong một xã hội không tiền mặt. Phó thống đốc Ida Wolden Bache của NB cho biết với chưa đến 4% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt tại Na Uy, việc thúc đẩy một công cụ thanh toán mới là điều vô cùng cần thiết cho nền kinh tế này trong tương lai.
Dù mang tiếng là xã hội không tiền mặt nhưng Na Uy lại chậm chân hơn Trung Quốc lẫn Thụy Điển trong việc phát hành tiền số riêng của mình nhằm kiếm soát công nghệ tiền ảo trước sự bành trướng của Bitcoin.
Hiện nhiều chuyên gia đang so sánh Bitcoin như vụ bong bóng thị trường hoa tulip thập kỷ 17 khi nhiều người đổ tiền vào đầu cơ để rồi phá sản.
"Tôi cho rằng cuối cùng thì Bitcoin cũng chẳng thể ảnh hưởng đến quyết định của các ngân hàng trung ương dù ngày càng nhiều người đổ tiền vào đây", Thống đốc Olsen nhấn mạnh.
Băng TâmKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.