Xã Hữu Bằng: Phát triển làng nghề gắn với ổn định kinh tế
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội và sự cố gắng của toàn thể Nhân dân trong xã, tình hình kinh tế xã hội của xã Hữu Bằng cơ bản ổn định, đời sống người dân được nâng cao, nghề truyền thống được duy trì và được nhiều người biết đến…
Hữu Bằng là một xã của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề truyền thống. Để ổn định đời sống cho người dân, UBND xã đã tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động dịch vụ gắn với làng nghề... Hàng năm, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định phát triển kinh tế gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển văn hoá, ưu tiên đầu tư xây dựng Nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2022 vừa qua, xã Hữu Bằng tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của một địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân tiếp tục phát triển kinh tế, phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế trên 15%, duy trì cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ và kinh tế nông thôn…
Tiếp tục chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để động viên các thành phần kinh tế đầu tư, đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sớm đưa quy hoạch vào thực tế để cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Tăng cường công tác quản lý đất đai, nêu cao vai trò trách nhiệm của bộ máy chính quyền với các giải pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả, không để tình trạng vi phạm đất đai mới phát sinh. Chỉ đạo bộ phận địa chính tập trung hoàn thiện hồ sơ để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tạo điều kiện cho Nhân dân vay vốn phát triển kinh tế.
Xã Hữu Bằng có nghề nổi tiếng chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất là làng Hữu Bằng.
Làng nghề có tên nôm là Kẻ Nủa, là một vùng đất nổi danh xứ Đoài. Kinh tế ở đây sầm uất, phát đạt từ xa xưa. Chợ Nủa quanh năm thương khách dập dìu. Tương truyền vào những ngày phiên chợ dân tứ xứ đến trao đổi hàng hoá, ngựa xe chật đường, nhộn nhịp chẳng kém đất Kẻ Chợ là mấy. Dân quanh vùng từ xưa đã có câu: "Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Nủa Chợ".
Làng Hữu Bằng có truyền thống thi thư với nhiều người đỗ đạt khoa bảng đời nào cũng có. Ngoài ra nơi đây còn nổi tiếng hơn bởi những bàn tay tài hoa với nghề dệt vải tinh xảo. Từ đời xưa, người dân nhờ vào bàn tay khối óc của mình đã xây dựng quê hương Nủa Chợ thành một làng quê trù phú, phong tục thuần hậu. Ngày nay, người dân vẫn tự hào về làng quê mình sầm uất và giàu truyền thống yêu nước.
Vốn không phải là làng làm mộc truyền thống như Chàng Sơn, nhưng sự năng động và thích ứng kịp thời đã tạo ra nhiều hướng phát triển hiện tại và đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong nước, cả về nguồn nguyên liệu cũng như các sản phẩm nội thất gia dụng. Nhờ đó, năm 2001, làng nghề chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Nơi đây chủ yếu sản xuất đồ gỗ nội thất gia đình, văn phòng, và một phần đồ giả cổ. Do có diện tích nhỏ, mặt bằng sản xuất hạn chế, nhiều hộ gia đình ở đây cho các hộ ở làng nghề gỗ khác mang gỗ về gia công sản phẩm thô cho họ. Giai đoạn 2012 - 2015, làng nghề sử dụng nhiều gỗ công nghiệp (MDF, ván dăm, gỗ ván ép…) để làm sản phẩm, chiếm tới 70% lượng nguyên liệu sử dụng của làng nghề, 30% còn lại là dùng gỗ thịt. Nhưng hiện nay, có đến 70% sản phẩm được chế biến từ gỗ thịt, còn lại là từ gỗ công nghiệp. Vì xu hướng tiêu dùng hiện nay hướng đến những sản phẩm gỗ tự nhiên nhiều hơn, có chất lượng tốt hơn và đẹp hơn.
Những năm gần đây, trong khi những làng nghề mộc truyền thống khác vẫn trung thành với sản phẩm đồ gỗ tự nhiên chạm trổ truyền thống; thị trường ngày một co hẹp do xu hướng tiêu dùng ngày càng hiện đại, thì làng nghề đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ và thức thời hơn. Nắm bắt được xu hướng nhà chung cư mọc lên nhiều đi kèm với xu hướng nội thất đơn giản và hiện đại. Các sản phẩm cũng chuyển đổi theo để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Người dân đã sử dụng nhiều nguyên liệu gỗ rừng trồng (thay vì gỗ tự nhiên quý hiếm rừng nguyên sinh) và gỗ công nghiệp. Giá thành cũng rẻ để hướng đến đại đa số khách hàng bình dân.
Từ khi có nghề đến nay, nghề truyền thống của xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hàng năm thu hút hàng ngàn lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã và một số xã lân cận góp phần tăng thu nhập gia đình, thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững. Lượng công việc nhiều, sản xuất mang tính công nghiệp nên thu nhập của công nhân làm việc tại đây luôn được đảm bảo.
Nhờ phát huy được truyền thống bách nghệ của Xứ đoài, từ nhiều năm nay, xã Hữu Bằng đã trở thành làng nghề sản xuất sầm uất trong khu vực, thu hút nhiều lao động làm nghề trên địa bàn huyện.
Văn ThịnhTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.