Xã Khánh Hà: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn

Địa phương
10:56 AM 16/06/2021

Thời gian qua, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường … Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều nơi như thách thức dư luận, đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Những ngày gần đây, người dân thôn Xuân Lê, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội rất bức xúc khi chứng kiến cảnh hàng chục loại xe ô tô "ba chân" và "bốn chân", xe tự chế ngày đêm chở phế thải xây dựng đổ vào khu vực đất nông nghiệp tại tuyến đường 30m thôn Xuân Lê, xã Khánh Hà.

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 2.

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 3.

Người dân bức xúc khi chứng kiến cảnh hàng chục xe ô tô ngày đêm chở phế thải xây dựng đổ vào khu vực đất nông nghiệp

Để biết được cơ quan, đơn vị, tổ chức nào ngang nhiên đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Ngày 11/06/2021, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà.

Ông Lê Văn Ba trả lời phóng viên rằng: "Việc doanh nghiệp, người dân hay tổ chức nào đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã tôi không nắm được. Để tôi xin ý kiến và báo cáo với đồng chí Chủ tịch, đồng thời sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra trực tiếp và sẽ có báo cáo sự việc này".

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 1.

Trụ sở UBND xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội)

Tại buổi làm việc, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã cung cấp cho ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà về vị trí, tuyến đường mà doanh nghiệp hay tổ chức nào đó chở đến khu vực đổ trộm phế thải, khối lượng và tần suất rất lớn. Cứ khoảng 10 giờ đêm hàng đoàn xe các loại nối đuôi nhau, chạy liên tục đến sáng, cứ cách 15 phút lại có một chuyến xe, họ đổ phế thải rất tự nhiên và công khai như có người đứng ra bảo kê cho việc đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng vậy.

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 4.

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 5.

Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nạn đổ trộm phế thải xây dựng cần xử lý quyết liệt hơn   - Ảnh 6.

Hàng đoàn xe nối đuôi nhau chở phế thải vật liệu xây dựng, đoàn xe không che chắn gây ô nhiễm môi trường. Điểm xuất phát từ chợ Mơ đi xuống KCN Ngọc Hồi, chợ Mơ rồi đổ phế thải vật liệu xây dựng tại thôn Xuân Lê, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Ba không định hình ra được việc đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà cho rằng: "Việc đổ phế thải này là việc làm đường cũ rồi".

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, việc đổ trộm phế thải này rất mới, còn nguyên hiện trường, phóng viên đã mất nhiều ngày tìm hiểu mới tiếp cận được vị trí chỗ đổ phế thải vật liệu xây dựng và hình ảnh hàng đoàn xe đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng tại tuyến đường 30m thôn Xuân Lê, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.

Để có được thông tin khách quan, đa chiều trả lời bạn đọc, phóng viên đặt câu hỏi với vị Phó Chủ tịch xã về việc chính quyền xã có cho phép đơn vị hay tổ chức nào ngang nhiên đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã mình không? Thì ông Lê Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã bao biện rằng: Theo cá nhân của tôi, việc đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường thì không bao giờ được phép, còn việc đổ trộm như thế này thì rất là khó vì lực lượng mỏng…

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên ghi nhận thấy tình trạng người dân quây tôn làm nhà xưởng, nhà ở trên đất nông nghiệp tại nơi đây diễn ra một cách công khai. Vì sao xã không nắm được để xử lý hay là vì một lý do nào đó mà xã lại vô tình tạo điều kiện cho người dân quây tôn xây dựng như vậy? 

Phải chăng chính quyền xã đang tạo điều kiện cho người dân "cứ quây tôn đi, sau một thời gian thì hướng dẫn đi xin phép cải tạo, sửa chữa", lúc đấy sẽ hợp thức mảnh đất ở đối với người dân. Ông Lê Văn Ba giải thích: "Việc người dân quây tôn diễn ra công khai như vậy là để họ trồng cây ăn quả, vì chỗ đó thuộc giáp ranh với ba xã nên rất khó khăn trong việc quản lý, mong anh em chia sẻ cho địa phương" - ông Lê Văn Ba nói.

Nguyên nhân chính dẫn đến nạn đổ trộm phế thải chưa được xử lý kịp thời được người dân địa phương lý giải: Việc đổ trộm diễn ra chủ yếu vào buổi trưa, ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, cố tình đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý, nên vi phạm vẫn tái diễn.

Qua sự việc doanh nghiệp hay tổ chức đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường và quây tôn xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Xuân Lê, xã Khánh Hà. Người dân mong muốn UBND xã Khánh Hà, UBND huyện Thường Tín và các cơ quan, ban ngành cần cho kiểm tra ngay, nếu đúng sự việc như trên cần có biện pháp xử lý thật nghiêm minh, tránh tình trạng tái diễn, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận. 

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Cửu Long
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.