Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), là nơi mọi người thường nghĩ đến cây Dã hương nghìn tuổi và những nếp nhà cổ kính từ thời xa xưa hàng trăm năm tuổi.

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), là nơi mọi người thường nghĩ đến cây Dã hương nghìn tuổi và những nếp nhà cổ kính từ thời xa xưa hàng trăm năm tuổi.

Đến với xã Tiên lục, men theo những con ngõ nhỏ, là những cổng nhà cổ, giếng cổ ở các thôn Giữa, Ngoẹn, Tây, Vàng... Đây là những thôn được hình thành sớm nhất xã (từ những năm 1700 -1800). Người dân mộc mạc, chất phác và mến khách. Phong cảnh làng quê thật yên bình. Đan xen giữa những ngôi nhà tầng kiên cố là những ngôi nhà ngói phủ màu thời gian.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lục, toàn xã hiện có 13 ngôi nhà cổ, được xây dựng cách đây vài trăm năm, trong đó 10 ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Có được kết quả ấy, một phần do cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, động viên người dân có ý thức giữ gìn những ngôi nhà cổ quý giá này.

Bắc Giang: Xã Tiên Lục nơi lưu giữ nhứng nếp nhà cổ kính - Ảnh 2.

Bức vách ngôi nhà cổ của gia đình ông Vũ Văn Trung (thôn Giữa) được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo.

Kiến trúc nhà cổ - dấu xưa Kinh Bắc

Dừng chân trước ngôi nhà cổ ở thôn Giữa. Ông Vũ Văn Trung năm nay đã bước sang tuổi 60, chủ nhân của ngôi nhà khẽ đẩy cánh cổng bước vào khoảng sân rộng được lát gạch đỏ au. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 5 gian, mái lợp ngói mũi đã ngả màu bên hàng cau, tạo cảm giác thư thái. Kiến trúc ngôi nhà theo kiểu chữ Nhất, cửa gỗ bức bàn chạy suốt 3 gian. Ông Trung tâm sự, ngôi nhà này do cụ nội mua lại từ một gia đình giàu có ở trong vùng, đến nay cũng vài trăm năm. Nhiều thế hệ trong gia đình ông đã sinh sống, gắn bó với ngôi nhà này với bao kỷ niệm khó quên.

Bắc Giang: Xã Tiên Lục nơi lưu giữ nhứng nếp nhà cổ kính - Ảnh 3.

ông Vũ Văn Trung (thôn Giữa).

Phần liên kết khung gỗ còn bảo lưu được gần như nguyên nét kiến trúc cũ với 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột được gắn kết bởi hệ thống hoành xà tạo vì mái. Các cấu kiện kiến trúc làm bằng gỗ lim chắc chắn. Hệ thống vì nóc liên kết nhau theo kiểu vì giá chiêng con chồng và vì cốn mê. 

Một số cấu kiện kiến trúc được chạm khắc tinh xảo, như ở đầu kẻ hiên chạm khắc hình hoa lá, trông vừa chắc chắn, vừa tạo vẻ uy nghi của ngôi nhà. Trên các con chồng ở vì nóc và vì nách cũng chạm khắc hình hoa lá, rồng cuốn mây, hình tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai) có giá trị nghệ thuật cao. Ngoài ra, trong nhà còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật như ngai thờ, sập thờ, hoành phi, câu đối…

Nếu như ngôi nhà của gia đình ông Trung được dựng bằng những cột to, cao và chạm khắc tinh xảo thì ngôi nhà 5 gian, 2 chái của gia đình bà Đồng Thị Lan, thôn Ngoẹn lại được bố trí khá giản đơn, không có nhiều bức chạm khắc. Các cột nhà nhỏ và thấp hơn. Tuy nhiên, các cấu kiện của ngôi nhà lại được giữ gần như nguyên vẹn; dưới mỗi chân cột kê bằng tảng đá xanh; hai bên đầu hồi có đao cong vút. 

Theo bà Lan, sở dĩ có sự khác biệt trên là bởi ngôi nhà này là của thầy đồ năm xưa nên mang nét thanh tao, bình dị. Bà Lan là người ở xã Nghĩa Hòa (cùng huyện) về làm dâu ở đây từ năm 1970. Bà là đời thứ 10, được sinh sống dưới nếp nhà này. Anh Lâm cho biết thêm: "Ngôi nhà của gia đình bà Lan được đánh giá là cổ nhất xã, đã có cách đây chừng 300 năm".

Đến thôn Giếng, vừa rảo bước qua khuôn viên của ngôi nhà 2 tầng mới xây, chúng tôi ngỡ ngàng trước ngôi nhà cổ nằm ẩn mình sau những ngôi nhà tầng kiên cố. Ngôi nhà 5 gian, 2 chái, toàn bộ mặt trước của 5 gian được ghép bằng ván gỗ lim, bố trí những then cài chắc chắn; nhiều vị trí như đầu kẻ hiên, các con chồng ở vì nóc và vì nách... được chạm khắc hình hoa lá, vân mây cách điệu đầu rồng... 

Mặc dù trải qua hàng trăm năm song các cấu kiện được làm bằng gỗ lim ở những ngôi nhà cổ xã Tiên Lục còn rất chắc chắn.

Bà Chu Thị Hường, chủ nhân ngôi nhà đon đả chào khách. Bà nói, ngôi nhà tầng kiên cố phía trước là của con trai thứ 2. Vợ chồng bà sinh được 4 con (2 trai, 2 gái). Hiện các con đều xây dựng gia đình, làm nhà ra ở riêng; chỉ có vợ chồng bà ở lại trong ngôi nhà này. Mỗi khi gia đình có công to, việc lớn, các con cháu lại quây quần về đây ôn lại kỷ niệm xưa. "Nhiều người đến hỏi mua nếp nhà này nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không bán bởi đây là tài sản được nhiều đời trong dòng tộc, gia đình truyền lại", bà Hường chia sẻ.

Gìn giữ gia phong

Ở xã Tiên lục, chủ nhân của những ngôi nhà cổ không chỉ gìn giữ nét đặc sắc do tiền nhân để lại mà điều quan trọng hơn là gìn giữ nền nếp gia phong. Họ dạy dỗ con cháu những điều tốt đẹp của lễ giáo truyền thống, tiếp thu những cái mới, phù hợp để đời sống thêm phong phú, ấm no.

Vợ chồng ông Trung sinh được 3 người con, hiện 2 con gái đã đi lấy chồng, cậu con trai đang làm việc ở Hà Nội. Sống trong nếp nhà xưa chỉ có vợ chồng ông; cuối tuần, các con cháu lại quây quần cùng ông bà. Ông Trung nói: "Tôi rất thích sống ở ngôi nhà này, bởi mùa đông thì ấm áp, mùa hè lại mát mẻ. Căn nhà đã lưu giữ bao kỷ niệm của nhiều thế hệ trong gia đình nên chúng tôi quyết tâm gìn giữ để con cháu mai sau nhớ đến cội nguồn". 

Con trai của ông Trung kể: "Cha tôi luôn dạy bảo những điều hay lẽ phải ở đời, những đạo lý truyền thống của dân tộc. Giờ anh chị em chúng tôi đã có cuộc sống riêng ổn định. Người ở xa thì giỗ chạp, Tết nhất mới về, còn người ở gần thì thường xuyên qua lại".

Vậy đó, những căn nhà cổ ở xã Tiên lục đâu chỉ đẹp ở đường nét kiến trúc cổ kính mà còn đẹp bởi lối sống gia đình đậm nghĩa tình, giàu truyền thống… Đó cũng chính là hồn phách của nhà cổ, là vốn quý của làng quê. Mỗi nhà có nét độc đáo riêng, không chỉ đẹp ở kiến trúc mà còn ở những kỷ vật, bảo vật lưu truyền qua các thế hệ, cách bài trí…

Bắc Giang: Xã Tiên Lục nơi lưu giữ những nếp nhà cổ kính - Ảnh 5.

Cây dã hương nghìn năm tuổi mọc trên địa bàn xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Xã Tiên Lục nổi tiếng với cây Dã hương nghìn năm tuổi, trong đó Cụm di tích Tiên Lục được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, gồm cây Dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đền Thánh Cả (còn gọi đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà.

Bên cạnh Cụm di tích kiến trúc - nghệ thuật ấy, người dân xã Tiên Lục còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Giữ gìn những ngôi nhà cổ cũng là lưu giữ nét văn hóa truyền thống bao đời nay của cha ông, dòng tộc, tạo nên những giá trị văn hóa Việt ở vùng quê thanh bình này.