Xã Tri Trung: Ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản
Xã Tri Trung nằm ở phía Tây Bắc huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có khu vực nuôi trồng thủy sản được quy hoạch tập trung, cơ sở hạ tầng phù hợp để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng của xã đã có những bước chuyển biến rõ rệt về quy mô, năng suất, chất lượng.
Đạt được bước đột phá này có sự đóng góp không nhỏ từ sự nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm của người dân và những chính sách hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời của chính quyền địa phương trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, đồng thời giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ con tôm, con cá, nhiều hộ gia đình đã cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Với mong muốn khuyến khích người nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tận dụng tiềm năng lợi thế phát triển hiệu quả bền vững, tạo ra sản phẩm thủy sản chất lượng cung cấp cho nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, năm 2021, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Kế hoạch số 328/KH - UBND ngày 01/11/2021 về triển khai hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 4159/QĐ - UBND ngày 10/9/2021 của UBND TP Hà Nội cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Tri Trung.
Tổng quy mô xã Tri Trung thực hiện chương trình là 54,8277 ha. Thành phần cá thả gồm: 55% cá Trắm cỏ; 30% cá Chép; 15% cá Rô phi. Trước khi thả cá giống, Phòng Kinh tế phối hợp với các phòng ban của huyện Phú Xuyên, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cung cấp cho người dân các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi; Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn chi tiết quá trình chuẩn bị ao nuôi.
Trong quá trình thực hiện, các hộ dân tham gia chương trình đều tuân thủ theo đúng quy trình và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Phát triển nông nghiệp nên các yếu tố môi trường luôn trong khoảng thích hợp, cá sinh trưởng phát triển tốt, quy cỡ đồng đều, tỷ lệ hao hụt đầu con thấp không có dấu hiệu bị bệnh.
Nếu trước đây, tốc độ tăng trưởng trung bình cá Trắm cỏ đạt 0,25 - 0,3 kg/ con/tháng; cá Chép 0,1 - 0,15kg/con/tháng; cá Rô phi 0,05 - 0,1 kg/con/tháng. Sau khi tham gia chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, các hộ dân đã áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi, phòng trị bệnh cho cá, vì vậy tốc độ tăng trưởng trung bình đã có sự thay đổi, cá Trắm cỏ đạt 0,28 - 0,33 kg/con/tháng; cá Chép 0,14 - 0,19kg/con/tháng; cá Rô phi 0,09 - 0,15kg/con/tháng. Sau 12 tháng nuôi quy cỡ cá Trắm cỏ trung bình đạt 4,1 kg/con; cá Chép đạt 2,27kg/con; cá Rô phi đạt 1,63kg/con với tỷ lệ sống đạt 80%, năng suất trung bình đạt trên 80,89 tấn/ha.
Có thể nói nhờ việc hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của xã Tri Trung đã có những chuyển biến tích cực. Môi trường nuôi đã được kiểm soát tốt, cá sinh trưởng mạnh hơn. Năng suất cao hơn 1,2 lần so với nuôi thông thường, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia chương trình. Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều mang lại lợi nhuận, điển hình như hộ ông Vũ Xuân Trong, Vũ Đình Trọng với thu nhập từ 200-300 triệu đồng sau khi tham gia dự án.
Với người dân xã Tri Trung việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thuỷ sản không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn mà quan trọng là tạo ra những sản phẩm thủy sản sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Đồng thời xây dựng một phương thức nuôi mới cho người chăn nuôi thủy sản, thay đổi tập quán chăn nuôi theo kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống của bà con. Hơn thế nữa, thành công của chương trình chính là sự khích lệ lớn cho bà con nông dân trong xã và các địa phương khác học tập. Cũng chính là nguồn động lực để thời gian tới, các hộ dân vươn lên làm chủ về kinh tế, tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng nuôi trồng thuỷ sản để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Những thành quả đạt được trong triển khai hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã khẳng định hướng đi, giải pháp hiệu quả mà chính quyền địa phương đã lựa chọn. Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những yếu tố góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản suất nông nghiệp. Trong thời gian tới, xã Tri Trung huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, để giúp người nông dân trên địa bàn tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương...
Với tâm thế chủ động và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thử thách, hy vọng rằng trong tương lai mô hình chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tri Trung sẽ được nhân rộng. Các ban ngành, đoàn thể sẽ tạo điều kiện giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với người sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để người dân an tâm sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống người dân càng thêm ấm no, hạnh phúc.
Minh HùngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.