Xã Xuân Lẹ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng gắn với tiềm năng phát triển du lịch

Địa phương
01:29 PM 10/01/2023

Đại hội Đảng bộ Xuân Lẹ (Thường Xuân, Thanh Hóa) lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức Đảng chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát triển kinh tế bền vững; đi đôi với xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ then chốt. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao năm 2022 và về đích đạt xã NTM theo đúng lộ trình.

Xuân Lẹ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân, nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm thị trấn Thường Xuân 27km và cách TP. Thanh Hóa 110km. Tổng diện tích tự nhiên của Xuân Lẹ là 9.910,81 ha, trong đó: đất lâm nghiệp là 8.916 ha và đất nông nghiệp là 575,85ha, còn lại một số đất khác. Dân số của xã 4.286 nhân khẩu, gồm 931 hộ, trong đó dân tộc Thái chiếm 95%. Có thể nói, Xuân Lẹ là vùng đất phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế khai thác từ nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương.

Tài nguyên rừng Xuân Lẹ khá lớn đóng vai trò quan trọng việc phòng hộ rừng đầu nguồn, là "lá chắn" để bảo vệ và phát triển kinh tế rừng bền vững. Theo đó rừng Xuân Lẹ có hệ thực vật khá phong phú, đa dạng về giống loài, có nhiều loại gỗ quý như Lim, Lát và một số loại gỗ khác. Rừng trồng chủ yếu các loại như Keo, Luồng, Bương, Tre, Song mây… 

Con đường nông thôn mới sạch đẹp của xã Xuân Lẹ

Con đường nông thôn mới sạch, đẹp của xã Xuân Lẹ

Ngoài ra, rừng Xuân Lẹ còn có một số cây dược liệu quý được bảo vệ và nhân rộng, có xu thế phát triển mạnh trở thành thương hiệu hàng hóa. Đặc biệt, Xuân Lẹ nổi tiếng về cây quế, đặc sản được nhắc đến trong bài hát "Đường về Thanh Hóa". Diện tích quế Xuân Lẹ được quy hoạch theo mô hình quế thâm canh, diện tích trên 7ha với 7.000 cây. Ngoài ra, nhân dân còn tận dụng đất để trồng quế đặc sản (thổ sản) ước đạt đến 1.000 cây.

Về tài nguyên khoáng sản, Xuân Lẹ có những loại đá quý có giá trị kinh tế hàng hóa cao như vàng Sa khoáng, tinh thể Thạch anh, Canxedoan… Xuân Lẹ có địa hình độc đáo, nhiều đồi núi bao quanh tạo nên "bức tường thành" vững trãi. Nhiều ngọn núi có độ cao trung bình từ 500-1000m như: Núi Fù, Ta Leo, Phả May, Núi Gió, Núi Hầm… Với nguồn nguyên vật liệu phong phú, nếu được quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý, đây sẽ là nguồn lực để Xuân Lẹ phát triển kinh tế cao hơn nữa, cải thiện đời sống cho nhân dân. Không chỉ vậy, những dãy núi cao còn tạo cho Xuân Lẹ nhiều thác nước lớn, đẹp tự nhiên như thác Trai Gái, thác Cách Giang, thác Canh Giang và nhiều thác nhỏ khác.

Đặc biệt, thác Trai Gái từ trên đỉnh núi Sàn Phả bắt nguồn từ sông Năm Muồng chảy từ Nghệ An sang Xuân Lẹ, thác có độ cao trên 100m được hình thành 4 tầng (thác nhỏ), tầng cuối có bãi đá và phiến đá lớn bằng phẳng "độc nhất vô nhị". Du khách đến đây tưởng như lạc vào một miền cổ tích.

Thác Trai Gái thu hút du khách tới thưởng ngoạn

Thác Trai Gái thu hút du khách tới thưởng ngoạn

Đến với huyện Thường Xuân nói chung và Xuân Lẹ nói riêng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng núi rừng hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ, "sơn thủy hữu tình". Có dịp du ngoạn, đứng trên đỉnh núi Ta Leo hay Phả May, phóng tầm mắt nhìn bao quát xung quanh, du khách sẽ cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Ông Lương Công Thắm - Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ cho hay: Năm 2020, ông được luân chuyển về công tác tại xã Xuân Lẹ và được bầu làm Chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2020-2025, đây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn trước Đảng, trước dân. 

Ông xác định, Xuân Lẹ là quê hương thứ hai của mình, ông dành nhiều thời gian làm việc tại xã để có thời gian gần gũi với nhân dân, với các lãnh đạo qua các thời kỳ; sâu sát thực tế để hiểu nhiều hơn về đồng bào xã vùng cao. Cùng "ghé vai" với Ban Thường vụ Đảng ủy xây dựng Nghị quyết chuyên đề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng giai đoạn được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thành công từ sự đồng thuận ý Đảng lòng dân đã trở thành sức mạnh của khối đại đoàn kết để Xuân Lẹ thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đề ra.

Tổng kết năm 2021 và sơ kết 9 tháng năm 2022 dấu ấn đầu nhiệm kỳ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng năm 2020-2025, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Xuân Lẹ sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội qua các năm. Sơ kết 9 tháng năm 2022, Xuân Lẹ đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ quyết liệt, các chỉ số đạt và vượt năm sau cao hơn năm trước, tạo động lực để Xuân Lẹ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Công tác luân chuyển cán bộ ở huyện Thường Xuân đã đem lại kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực, được nhân dân ví như "luồng gió mới" thổi về. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng được nhân lên, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng xuyên suốt từ chủ trương, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Điều được nhân dân tâm đắc nhất về vai trò lãnh đạo của người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền là năng lực, trí tuệ, tài đức song toàn, giàu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo; dám nghĩ, dám làm, vững vàng vượt qua những khó khăn thách thức "chèo lái con thuyền" Xuân Lẹ cập bến, phấn đấu sớm về đích đạt xã NTM theo lộ trình; xây dựng Xuân Lẹ ngày càng giàu đẹp văn minh, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Ngọc Lanh
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ

Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.